Sáng 10.11, đoàn khảo sát công tác quản lý nhà nước về các hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP.HCM của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố.
"Ai thu, chúng tôi không biết"
Báo cáo với đoàn khảo sát, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông - Sở GTVT, cho biết toàn TP.HCM có khoảng 4.734 km đường, trong đó Sở GTVT quản lý 1.428 km. Trên 1.428 km này, có khoảng 979 trụ panô tuyên truyền cổ động chính trị, an toàn giao thông kết hợp quảng cáo thương mại nằm trong hành lang đường bộ được Sở GTVT thỏa thuận vị trí với các đơn vị lắp đặt.
979 vị trí các trụ quảng cáo, các trụ cổ động chính trị, các trụ tuyên truyền trật tự an toàn giao thông đã được Sở GTVT số hóa lên bản đồ số (GIS) để quản lý. Ngoài ra, còn có các trụ quảng cáo của các đơn vị khác quản lý như Sở Xây dựng, các địa phương, khu dân cư, đường cao tốc...
Về nguồn thu quảng cáo từ các trụ này, đại diện Sở GTVT cho biết từ năm 2015 đến nay, do là đất hành lang an toàn giao thông nên Sở GTVT chỉ ký hợp đồng tạm không quá 6 tháng và gia hạn mỗi đợt, đơn giá cho thuê đối với trụ quảng cáo có diện tích dưới 10 m2 là 10 triệu đồng/trụ/năm và trên 10 m2 là 15 triệu đồng/trụ/năm (phí thu theo Văn bản số 6364/VP-VX ngày 4.7.2016 của UBND TP.HCM). Nguồn thu được nộp vào Quỹ Bảo trì đường bộ khoảng 30 tỉ đồng.
"Đây là phí cho thuê tạm thời đặt vị trí các trụ trên hành lang an toàn giao thông, không phải chi phí cho thuê quảng cáo. Sở GTVT không quản lý nội dung quảng cáo và giá cho thuê quảng cáo. Do đó, nếu thất thu là thất thu tiền cho thuê quảng cáo. Ví dụ quảng cáo cho cái bình, chai rượu này 10 đồng thì ai thu 10 đồng đó chúng tôi không biết vì chúng tôi chỉ thẩm định việc đặt trụ để quảng cáo có vi phạm hành lang an toàn giao thông hay không và cho thuê tạm thời vị trí đặt các trụ" - ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT, trần tình.
Hai trụ bảng quảng cáo nằm trơ khung tại khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ hướng quận 1, TP.HCM. Ảnh: Sỹ Hưng
Phó Giám đốc Sở GTVT nhận định hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau trong quản lý hoạt động cấp phép trụ quảng cáo dẫn đến khập khiễng trong giám sát, xử lý, kiểm tra... Ngoài những bảng quảng cáo các sở, ngành quản lý được thì xuất hiện nhiều bảng quảng cáo ốp tường trên công trình tư nhân, diện tích lớn được sử dụng nhiều nhưng chưa có quy định nên lúng túng trong quản lý.
Trong khi đó, phát biểu tại buổi khảo sát, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) cho rằng sau khi có hồ sơ pháp lý của các bên liên quan thẩm định vị trí, Sở VH-TT mới cấp phép nội dung quảng cáo.
Tuy nhiên, để quản lý từng vị trí có trụ quảng cáo trên địa bàn thành phố thì không thể vì địa bàn rộng, nhiều đơn vị quản lý, cấp phép. Chưa kể, nhiều địa phương lúc đầu xin phép làm bảng cổ động chính trị, chỉ một thời gian ngắn biến thành quảng cáo thương mại, khi yêu cầu quận - huyện thống kê thì thống kê không đủ.
Cần "nhạc trưởng" quản lý
Theo ông Võ Khánh Hưng, để công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên hành lang an toàn giao thông đạt hiệu quả hơn, Sở GTVT sẽ phối hợp với Sở VH-TT cùng các địa phương tiếp tục rà soát vị trí các bảng quảng cáo nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ cho phép tồn tại hoặc di dời, tháo dỡ bảo đảm theo quy định. Ngoài ra, Sở GTVT kiến nghị tạm dừng xây dựng Đề án quản lý và sử dụng nguồn thu từ khai thác bảng quảng cáo nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ theo chỉ đạo của UBND TP.HCM để rà soát cơ sở pháp lý.
Các đại biểu của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đề nghị Sở GTVT rà soát lại các trụ quảng cáo đặt trên vỉa hè một số giao lộ xem có ảnh hưởng đến an toàn giao thông không vì đế trụ lớn thường chiếm phần lớn vỉa hè. Các đại biểu cũng đặt vấn đề các sở, ngành xem lại cơ sở của đơn giá tạm tính cho thuê quảng cáo có phù hợp không, nộp ngân sách ra sao, ai quản lý các trụ quảng cáo trên cao tốc...
Từ năm 2015, Sở VH-TT đã có văn bản yêu cầu các địa phương tự chịu trách nhiệm về trụ quảng cáo cổ động chính trị, tự lấy ngân sách địa phương làm.
Từ báo cáo của Sở GTVT và qua khảo sát thực tế, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình nhận định số liệu trụ quảng cáo có địa chỉ quản lý chưa khớp với thực tế. Đoàn khảo sát sẽ tiếp tục đi thực tế, tham vấn các chuyên gia, hiệp hội quảng cáo nhằm có thêm giải pháp.
Để hoạt động quảng cáo từng bước đi vào nề nếp, tạo tính công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tạo ra nguồn thu hiệu quả cho nhà nước, ông Cao Thanh Bình cho rằng cần phải có "nhạc trưởng" quản lý hoạt động này. Trong khi chờ thành phố ban hành quy hoạch, quy chế quản lý, Sở VH-TT phải tham mưu UBND TP.HCM đề nghị các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc thống kê trụ quảng cáo, nội dung quảng cáo, tiền thu...
"Sở GTVT phải khẩn trương rà soát toàn bộ 979 trụ quảng cáo, trụ nào tồn tại, trụ nào phải tháo dỡ do chưa có phép, bao nhiêu trụ trước năm 2012, bao nhiêu trụ mới phát sinh…? Đồng thời tham mưu UBND TP.HCM làm việc với các đơn vị của bộ, ngành nhằm có giải pháp quản lý bảng quảng cáo trên đường cao tốc. Hiện có những trụ quảng cáo rất cao, trơ khung mà cử tri nói "phế liệu trên không" gây mất an toàn, mất mỹ quan" - ông Cao Thanh Bình lưu ý.
Thu Hồng
Sau điều tra của báo Người Lao Động, nhiều trụ quảng cáo bất ngờ thay đổi nội dung
Sau loạt bài điều tra Quảng cáo ngoài trời: Tiền "chảy" đi đâu, mới đây nhiều trụ bảng quảng cáo bị phản ánh đã nhanh chóng thay đổi nội dung.
Theo ghi nhận, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 10.11, một nhóm nhân viên mang theo 1 tấm pano màu xanh cùng nhiều dụng cụ đến trụ bảng quảng cáo nằm ở vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân. Rất nhanh chóng, các nhân viên liền treo tấm bảng pano ghi sẵn nội dung tuyên tuyền về an toàn giao thông để thay thế cho nội dung quảng cáo thương mại trước đó.
Trụ bảng quảng cáo ở vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân thời điểm bị Báo Người Lao Động phản ánh về nhiều sai phạm vào ngày 8.11 (ảnh trái) và đến đêm 10.11, trụ bảng quảng cáo này đang được thay đổi từ nội dung quảng cáo thương mại sang nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông.
Tiếp đó, trụ bảng quảng cáo nằm ở giao lộ Võ Văn Kiệt – An Dương Vương, quận Bình Tân đang quảng cáo cho 1 doanh nghiệp bất động sản cũng được thay thế bằng tấm pano ghi nội dung tuyên tuyền về an toàn giao thông.
Trụ bảng quảng cáo 3 mặt ở vòng xoay Võ Văn Kiệt - An Dương Vương, quận Bình Tân thời điểm Báo Người Lao Động phản ánh (ảnh trái) và sau đó ít ngày đã đổi từ nội dung quảng cáo sang tuyên truyền về an toàn giao thông.
Trong loạt bài điều tra Quảng cáo ngoài trời: Tiền "chảy" đi đâu, báo Người Lao Động đã phản ánh 2 trụ bảng quảng cáo này nằm trong quy hoạch cổ động chính trị nhưng sau đó "biến tướng" thành quảng cáo thương mại suốt nhiều năm. UBND quận Bình Tân từng ra quyết định xử phạt 2 trụ bảng quảng cáo này về hành vi tự ý chuyển đổi hình thức từ cổ động chính trị sang quảng cáo thương mại.
Cụ thể, tháng 11.2021, UBND quận Bình Tân đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Quảng cáo và Dịch vụ Thành Phố Xanh (trụ sở quận Bình Thạnh) số tiền 50 triệu đồng về hành vi do quản lý trụ bảng quảng cáo tại vòng xoay An Lạc và vòng xoay Võ Văn Kiệt – An Dương Vương nhưng không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo.
Sau nhiều lần bị xử phạt, Công ty TNHH Quảng cáo và Dịch vụ Thành Phố Xanh liền ký kết hợp đồng dịch vụ và giao cho Công ty TNHH Xây dựng Quảng cáo Kim Ngân (có trụ sở tại quận Bình Tân) đứng ra quản lý, khai thác.
Trụ bảng quảng cáo ở vòng xoay Phan Đình Giót - Phổ Quang, quận Tân Bình cách đây ít ngày mới gỡ nội dung 1 doanh nghiệp hết hạn quảng cáo (ảnh trái) nhưng ít ngày sau lại cho một doanh nghiệp khác thuê.
Theo tiết lộ của nhân viên tên P.T.N làm ở phòng kinh doanh Công ty Kim Ngân, 2 trụ bảng quảng cáo ở trên có giá khoảng 2 tỉ đồng/trụ/năm.
Trụ bảng quảng cáo nằm trên đường Bạch Đằng hướng về sân bay Tân Sơn Nhất (quận Bình Tân) trước khi bị đăng bài phản ánh đang để số điện thoại của một công ty quảng cáo nay chuyển sang tuyên truyền về Đề án 06 cho quận Gò Vấp.
Điều bất ngờ hơn là trụ bảng quảng cáo 3 mặt ở vòng xoay Phan Đình Giót – Phổ Quang (quận Tân Bình) từng nằm trong quy hoạch để cổ động chính trị. Cách đây ít ngày, trụ bảng quảng cáo này gỡ nội dung quảng cáo của doanh nghiệp đã hết hạn nhưng nay tiếp quảng cáo cho một công ty thực phẩm khác.
Sỹ Hưng