mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Những bất cập quy hoạch tỉnh

 20:33 | Thứ bảy, 10/07/2021  0
Luật Quy hoạch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật này đã phần nào xác lập được lộ trình pháp lý và kỹ thuật cho loại hình quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên vẫn có nhiều điều cần được điều chỉnh, hoàn thiện, rút kinh nghiệm từ thực tế. Đơn cử như sau:

Về thời kỳ quy hoạch: Thời kỳ 10 năm theo Luật Quy hoạch là đủ dài đối với các luận chứng, dự báo kinh tế xã hội, song lại quá ngắn so với vòng đời của các dự án chuẩn bị hạ tầng trên quy mô tỉnh. Nên chăng quy hoạch tỉnh có thời kỳ 20-25 năm, có giai đoạn ngắn hạn 5-10 năm, và có tầm nhìn 40-50 năm (tương tự Luật Quy hoạch đô thị).

Về nhiệm vụ quy hoạch: Vai trò chính của nhiệm vụ là nhân dân cùng chính quyền đi đến thỏa ước chung về các mục tiêu chiến lược mà tỉnh cần đạt được trong thời hạn quy hoạch, sau đó giao phó cho cơ quan lập quy hoạch thực hiện theo. Nói cách khác, đó là đạt được tuyên bố chung về Tầm nhìn, trong đó có nêu rõ về các mục tiêu và một số chỉ tiêu phát triển/bảo tồn. Tầm nhìn đó là nội dung trọng tâm duy nhất cần quan tâm ở giai đoạn này, chứ không phải một danh sách những điều cần làm, hay một mục lục sản phẩm đồ án (đã có trong các văn bản hướng dẫn khác). Để xây dựng được tuyên bố chung về tầm nhìn quy hoạch tỉnh, nhiều hội nghị, diễn đàn cần được mở ra nhằm thu hút sự tham gia và làm cho số đông hiểu được quy hoạch tỉnh là gì, có vai trò thế nào, và cần sự đóng góp gì từ phía họ. Vai trò của cơ quan tư vấn và chính quyền, rất quan trọng, ở việc tổng hợp, diễn giải được các thông tin đa chiều, đa dạng, khái quát hóa thành các mục tiêu quy hoạch ở cấp tỉnh; chứ họ không phải là nhóm người được quyền “sáng tác” ra các mục tiêu quy hoạch.

Quy hoạch thành phố phía Đông Sài Gòn. Ảnh: laodong.vn


Về tích hợp trong quy hoạch: Hiện nay nhiều quy hoạch tỉnh đang có nguy cơ là một sự chắp vá lộn xộn của tất cả các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương. Là do Luật Quy hoạch chỉ nêu yêu cầu tích hợp liên cấp, liên ngành nhưng lại không hướng dẫn cách thức đề phối hợp liên cấp liên ngành trong khi lập quy hoạch là như thế nào. Nhiểu đồ án hiện đang lúng túng trong khâu này, bởi họ phải chồng lớp và tìm điểm chung của những quy hoạch được xây dựng từ vốn từ vựng, khái niệm, chỉ số khác nhau, trên một nền dữ liệu khổng lồ, đa ngôn ngữ, và không hề thống nhất. Việc đi đến được mẫu số chung cho phép tính quy đồng này dường như không thể. Trong khi cách làm đúng đắn hơn là phải tập trung các ngành, các cấp vào các hội nghị thiết kế (workshop) để bàn luận trên các chủ đề. Mà các chủ đề này liên quan mật thiết với tầm nhìn nói ở phần trên. Lúc này, đơn vị tư vấn đóng vai trò như người hỗ trợ kỹ thuật, để giúp cán bộ quản lý có được kiến thức cần thiết trong khi bàn luận cùng nhau. Nói cách khác, các cấp các ngành của tỉnh phải tham gia lập quy hoạch như những người làm việc, chứ không phải như các giám khảo ngồi đánh giá sản phẩm tư vấn.

Về sản phẩm quy hoạch: Hướng dẫn của Nghị định 37/2019/NĐ-CP chỉ giới hạn ở nội dung quy hoạch. Trong khi điều quan trọng nhất mà quy hoạch tạo ra, đó là chính sách về tổ chức không gian tỉnh. Đây là một bước riêng cần thực hiện cẩn trọng, bởi sau khi tất cả những nghiên cứu về ý tưởng phát triển đã được đồng thuận, việc biến nó sang ngôn ngữ chính sách như thế nào, không đơn thuần là tóm tắt lại thuyết minh quy hoạch.

Về phân định giữa các tầng bậc: Hiện nay luật và nghị định về quy hoạch nói khá mơ hồ về quy hoạch nào làm việc gì, nhưng lại không nói rõ về lằn ranh chuyển tiếp giữa các tầng bậc quy hoạch, cũng không nói gì về khả năng kiến nghị sửa đổi hoặc đính chính các chính sách liên quan. Do sự mơ hồ này, việc lập quy hoạch ở cấp trên sẽ đôi khi quyết định quá sâu xuống cấp dưới, quy hoạch cấp dưới sẽ đôi khi vi phạm cấp trên, hoặc đôi khi quá cứng nhắc vì sợ không tuân thủ cấp trên.

Về giám sát: Hiện nay còn quá thiếu các chỉ số và các phương tiện khoa học kỹ thuật để thống kê, đo lường, giám sát tình hình phát triển trên một tỉnh. Việc giám sát thực hiện quy hoạch do đó cũng sẽ còn thô sơ và mơ hồ trong một thời gian dài, nếu không có các hướng dẫn pháp lý và các nghiên cứu khoa học hỗ trợ, thực hiện ngay từ bây giờ.

Về thực thi: Không có mối liên hệ logic giữa danh mục các dự án trong phụ lục của một quy hoạch tỉnh với việc quy hoạch tỉnh đó có đạt chất lượng hay không. Nhưng mặc nhiên chúng ta hiểu rằng, để thực thi quy hoạch tỉnh thì cần tạo hành lang pháp lý tốt cho các dự án ưu tiên được xảy ra. Bởi vậy, luật cần xác định những gì sẽ là “con đẻ” của quy hoạch tỉnh, những gì không phải (ví dụ như là “cháu”). Tiếp sau quy hoạch tỉnh, sẽ phải được cụ thể hóa không chỉ bằng quy hoạch huyện, mà còn có chương trình hạ tầng khung cấp tỉnh, dự án giao thông liên tỉnh, chính sách quản lý không gian lãnh thổ cấp tỉnh… Nếu điều này không được xác định, thì tài liệu quy hoạch tỉnh chỉ giống như một bản nghiên cứu đọc cho vui. 

ThS-KTS. Nguyễn Xuân Anh

(Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Tham khảo Cơ hội mới

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.