mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Nhạc sĩ Lê Quang: “Đám cưới bạc” sau bạo bệnh

 09:32 | Thứ bảy, 04/09/2021  0
Nhạc sĩ Lê Quang vừa có một “đám cưới bạc” nhiều cảm xúc với ca sĩ Cam Thơ tại Mỹ, sau biến cố sức khỏe cắt bàn chân phải bị nhiễm trùng vì bệnh tiểu đường. Để bạn đọc có thêm thông tin căn bệnh mà Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo là “kẻ giết người thầm lặng”, chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên gia sức khỏe.

Lê Quang và Cam Thơ kết hôn ở Việt Nam năm 1994, có một con gái. Hiện gia đình anh sinh sống tại Mỹ. Suốt thời gian Lê Quang điều trị bạo bệnh, Cam Thơ luôn ở bên cạnh chăm sóc, tiếp sức tinh thần cho chồng vượt qua biến cố.

Hiện sức khỏe Lê Quang - tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: Đi về nơi xa, Chuyện thường tình thế thôi, Niềm tin chiến thắng…, đã ổn định và ngày 10.7 vừa qua vợ chồng anh tổ chức lễ kỷ niệm “đám cưới bạc” nhân 27 năm ngày cưới tại Mỹ.

Hai cuộc phẫu thuật của Lê Quang

Cuối tháng 9.2020, Lê Quang gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Bác sĩ cảnh báo anh có nguy cơ cao tắc nghẽn mạch máu và chỉ định mổ trước khi có thể bị những cơn tai biến. Tuy nhiên, khi đặt lịch phẫu thuật bác sĩ phát hiện thêm ổ nhiễm trùng ở gót chân phải của Lê Quang.

Khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận Lê Quang mắc bệnh tiểu đường lâu năm, khi lượng đường tăng cao làm vết nứt ở gót chân nhiễm trùng anh không đi khám sớm vì không có cảm giác đau nhức, khiến vết nứt hoại tử, ăn sâu vào xương. Bác sĩ khuyến cáo Lê Quang phẫu thuật cắt bàn chân để tránh nhiễm trùng lan vào máu, gây ung thư nguy hiểm.

“Tôi ý thức được những hậu quả sau này nếu không xử lý triệt để nên quyết định tin tưởng và nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Sau ca mổ, tôi thấy nhẹ nhàng như trút được gánh nặng…”, Lê Quang chia sẻ. Ca phẫu thuật cắt bàn chân phải (từ mắt cá chân) của Lê Quang kéo dài ba tiếng. Sức khỏe anh hồi phục nhanh và tịnh dưỡng để chuẩn bị cho ca mổ nghẽn mạch máu ở đầu. 

Vợ chồng Lê Quang - Cam Thơ và con gái trong ngày vui “Đám cưới bạc” tại Mỹ. Ảnh: CTV


Tháng 4.2021, các bác sĩ tiếp tục tiến hành phẫu thuật thông mạch máu não cho Lê Quang. Ca phẫu thuật kéo dài hai giờ và thành công trọn vẹn. Trong suốt cả hai ca phẫu thuật, Cam Thơ là người đồng hành cùng chồng, vừa thuyết phục anh đồng ý phẫu thuật, vừa chăm sóc, động viên tinh thần Lê Quang.

Cam Thơ cho biết sinh hoạt của Lê Quang hiện không có gì bất tiện, “Chỉ cần anh ấy đeo chân giả và tập đi thì có thể di chuyển, sinh hoạt như người bình thường. Cùng anh ấy vượt qua hai ca phẫu thuật quan trọng, tôi càng thấy thương chồng, muốn dành cho anh ấy sự quan tâm và tình cảm nhiều hơn”, Cam Thơ bộc bạch.

Nhận diện “kẻ giết người thầm lặng”

BS-CK2. Trần Đỗ Lan Phương (nguyên Trưởng khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM; bác sĩ điều trị Khoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM), cho biết đái tháo đường (hay còn gọi tiểu đường), là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.

Khi mắc tiểu đường, bệnh nhân không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm ăn vào để tạo ra năng lượng, lâu ngày gây nên hiện tượng tăng dần lượng đường tích tụ trong máu. Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Bệnh tiểu đường có hai thể chính: 

Tiểu đường tuýp 1: phần lớn xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi (thường gặp dưới 20 tuổi). Ở thể này, các triệu chứng bệnh xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh nên có thể dễ dàng phát hiện.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tiểu đường tuýp 1 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, ghi nhận đa số trường hợp mắc bệnh thấy rằng, khi thành viên trong gia đình mắc bệnh thì người còn lại cũng có nguy cơ nhẹ mắc bệnh. Hoặc các yếu tố môi trường, phơi nhiễm với một số loại virus cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.

Các triệu chứng tiểu đường tuýp 1 thường diễn tiến nhanh, có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần với các biểu hiện điển hình: cảm thấy đói và mệt; thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều; khô miệng, ngứa da; sụt cân...

Tiểu đường tuýp 2: là thể bệnh phổ biến nhất, gặp nhiều nhất ở người trên 40 tuổi và có xu hướng trẻ hóa. Bệnh không có những triệu chứng rõ ràng nên người bệnh khó phát hiện.

Nguyên nhân tiểu đường type 2 vẫn chưa được làm rõ, một số trường hợp ghi nhận bệnh có di truyền. Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân béo phì cũng có liên hệ chặt chẽ với bệnh, tuy nhiên cần nói rõ, không phải ai thừa cân cũng đều mắc tiểu đường type 2.

Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tiểu đường type 2: gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột, con mắc bệnh tiểu đường; bản thân từng bị tiểu đường thai kỳ; tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch; tăng huyết áp; ít hoạt động thể lực; thừa cân, béo phì; bị rối loạn dung nạp đường hay rối loạn đường huyết đói; phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang…

Ở thể tiểu đường tuýp 2, các triệu chứng tiến triển âm thầm và phát triển trong nhiều năm, hầu hết bệnh nhân không gặp những triệu chứng rõ ràng như thể tiểu đường tuýp 1 nên khó phát hiện. Bệnh có thể vô tình phát hiện qua xét nghiệm glucose máu hoặc có những biến chứng như vết thương nhiễm trùng lâu lành. Một số dấu hiệu nghi ngờ cần thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường gồm: nhiễm trùng nấm men; vết thương chậm lành…

Ngoài hai thể chính trên, còn có thể bệnh tiểu đường thai kỳ. Mặc dù tiểu đường thai kỳ sẽ hết ngay khi sản phụ sinh con, nhưng sản phụ cần được can thiệp điều trị hiệu quả trong suốt quãng thời gian mang thai để tránh các tác động xấu ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

Để bệnh không tiến triển nặng

Các biến chứng nguy hiểm thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường, gồm: 

Mạch máu: tăng glucose máu kéo dài có thể làm tổn thương mạch máu. Tổn thương ở mạch máu lớn có thể gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tổn thương thành mạch và hẹp các động mạch tứ chi, thậm chí tắc mạch gây hoại tử chi. Tổn thương ở mạch máu nhỏ sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan như thận, võng mạc mắt, thần kinh ngoại biên…

Biến chứng này làm giảm lượng máu đến bàn chân, giảm khả năng cảm nhận cảm giác ở bàn chân,  khiến người bệnh không thể cảm nhận được bàn chân đã bị tổn thương. Người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn so với người bình thường do lượng đường trong máu cao làm vi khuẩn phát triển. Chỉ cần một vết thương nhỏ cũng có thể gây nhiễm trùng và loét bàn chân. Nhiễm trùng kết hợp thiếu máu thì nguy cơ gây cắt cụt chi rất cao.

Hô hấp: bệnh nhân tiểu đường dễ bị viêm phổi và viêm phế quản do bội nhiễm.

Tiêu hóa: người bệnh có thể bị viêm quanh nướu răng, rối loạn chức năng gan, viêm loét dạ dày, tiêu chảy.

Da: bệnh nhân có thể thấy ngứa ngoài da, hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay và bàn chân ánh vàng, xuất hiện u màu vàng gây ngứa ở gan bàn chân, bàn tay, mông, viêm mủ da…

Alzheimer: người bị tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị tiểu đường. Trong đó, điều chỉnh chế độ ăn uống cùng thiết lập chế độ thể dục thể thao hợp lý, kết hợp theo dõi tình trạng bệnh lý thường xuyên là những việc làm quan trọng nhất, dù ở thể bệnh nào. Ở thể tiểu đường tuýp 1, bệnh nhân được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại. Ở thể tiểu đường tuýp 2, nếu bệnh nhân không cải thiện được tình trạng tăng lượng đường trong máu bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hàng ngày, có thể sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để ổn định lượng đường trong máu.

Để bệnh không tiến triển nặng, bệnh nhân tiểu đường cần có kế hoạch theo dõi lượng carbohydrate, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ; nên ăn nhiều rau xanh, các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Cần lưu ý rằng, bệnh tiểu đường có thể thay đổi và tiến triển ở từng thời gian, do đó người bệnh cần được thăm khám, đánh giá chính xác tình trạng hiện tại để có kế hoạch điều trị thích hợp.

“Không thể phòng ngừa được bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể giảm nguy cơ bệnh tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, có kế hoạch tập luyện thể chất đều đặn, hợp lý”, BS. Phương lưu ý. 

Minh Hoàng - Tấn Khải

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.