Trác Thúy Miêu cho biết, Nhật ký thị dân là dự án tiếp nối từ quyển sách vừa phát hành của cô: Vọng Sài Gòn.
Nếu Vọng Sài Gòn là những kỷ niệm, những mộng tưởng Sài Gòn đã ban tặng riêng cho cô, thì với Nhật ký thị dân, đó sẽ là những trầm tích Sài Gòn lắng đọng lại trên ký ức của mỗi người. Từng mảng sống riêng tư, từng câu chuyện gắn chặt với ngã tính người kể, khi xếp đặt cạnh nhau sẽ làm nên một tổ hợp hồi ức, phục dựng dung mạo một thời đoạn hoa và lệ của đô thành, phóng chiếu ký ức chung cộng đồng, cùng phong vị cuộc sống của các thế hệ thị dân.
“Thời gian trước khi hủy diệt tất cả nó cũng đã ban tặng cho người ta thật nhiều kỷ niệm, những ánh sáng muôn màu trong số phận của một thành phố phồn hoa, nghĩa khí và đa cảm như những bài bolero buồn não nùng. Dấu chân thời gian ở lớp nghĩa đầu tiên khiến người ta tiếc nuối, hoài niệm nhưng ở lớp nghĩa dư vị, dấu thời gian lại nâng tinh thần người ta thoát khỏi những đắn đo, toan tính đời thường, như được tiếp thêm sinh lực để dám mơ mộng một lần nữa, để trở thành một kỷ niệm khó quên của Sài Gòn”, Trác Thúy Miêu tự sự.
"Nhật ký thị dân" là dự án tiếp nối từ quyển sách vừa phát hành "Vọng Sài Gòn"
Nhật ký thị dân dự định dung chứa khoảng 30 tản văn, trong đó bên cạnh cảm tác, ghi chép trực tiếp từ hồi ức gắn liền với kỷ vật mà thị dân đồng ý cho Trác Thúy Miêu tiếp cận, sẽ có một số câu chuyện được chia sẻ bởi giới văn nghệ sĩ, là những kỷ niệm vàng son, trầm luân kiếp sống đã xảy ra tại Sài Gòn.
Để “chạy rô-đai” dự án, trước ngày diễn ra cuộc giao lưu, ký tặng sách Vọng Sài Gòn ngày 27.10, Trác Thúy Miêu đã có một thỉnh cầu đặc biệt trên fanpage: mong mỗi người tham dự mang theo một kỷ vật với thành phố, có thể là chiếc vé xem hát, album đầu tay tại Sài Gòn, món đồ đầu tiên tự mua cho mình bằng đồng lương đầu, một tấm ảnh kỷ niệm, hay món vật gia dụng cũ của ba má...
Và thật bất ngờ, lời thỉnh cầu phát đi chưa đầy hai mươi bốn giờ, những kỷ vật được đưa đến buổi giao lưu, đủ để Trác Thúy Miêu viết ngay… nửa cuốn sách!
Đó là chiếc máy hát loa kèn đầy dấu vết thời gian của nghệ sĩ Thanh Bạch; là chiếc máy cassette cũ kỹ gần 50 tuổi được “dìu” đến bởi một thị dân trẻ Phạm Trọng Khoa; là bút tích lá thư tay của diễn viên Băng Di viết cho bố hơn 20 năm trước, cùng câu chuyện dữ dội của một gia đình chỉ sau cuộc đổi cờ, rơi từ thượng lưu xuống cơ hàn, nhưng khi có cơ hội đi nước ngoài định cư thì vẫn lựa chọn ở lại Sài Gòn với tâm thế bình thản; là hai chiếc áo kiểu xưa, từng mặc trong những dịp lễ nghi, họp hội quan trọng của ông nội quán quân Sing My Song Cao Bá Hưng (hậu duệ 7 đời của nhà thơ Cao Bá Quát), giờ được tặng lại cho cháu, và Hưng cũng chỉ chọn mặc khi đến những sự kiện quan trọng; là món bánh trái cây đậu xanh gắn chặt với ký ức tuổi thơ MC Long Hoàng;...
Chiếc máy cassette cũ kỹ đã gần 50 tuổi, một kỷ vật được Phạm Trọng Khoa đưa tới buổi giao lưu
Quán quân Sing My Song Cao Bá Hưng mặc chiếc áo kỷ vật của ông nội tặng đến dự buổi giao lưu
MC Long Hoàng và món bánh trái cây đậu xanh gắn chặt với ký ức tuổi thơ
Chiếc máy hát loa kèn của nghệ sĩ Thanh Bạch nhờ người nhà chuyển đến do anh đang lưu diễn ở xa
Đó là chiếc áo dài của ca sĩ hát lô tô Lộ Lộ (Đoàn Lô tô Sài Gòn Tân Thời) được may bởi một người đàn bà chỉ còn lại một cánh tay; là tờ chứng nhận đậu vào vòng trong của ca sĩ Lều Phương Anh với sân chơi âm nhạc Vietnam Idol cách đây 10 năm; là cặp đôi khăn mùi xoa có rô-đê, nhuốm màu ố vàng khi xưa má ba định tình của một thị dân Sài Gòn chánh gốc Bá Tăng Minh Hiếu, muốn nhờ Trác Thúy Miêu cất giữ dùm trong Nhật ký thị dân, để rủi khi đời sống bất trắc, lạc mất kỷ vật thì Minh Hiếu vẫn còn nhận diện được kỷ niệm của ba má qua những trang sách;…
Bút tích lá thư tay của diễn viên Băng Di viết cho bố hơn 20 năm trước
Cặp đôi khăn mùi xoa có rô-đê, nhuốm màu ố vàng khi xưa má ba của Bá Tăng Minh Hiếu định tình
Tờ giấy chứng nhận đậu vào vòng trong của ca sĩ Lều Phương Anh với sân chơi âm nhạc Vietnam Idol cách đây 10 năm
Chiếc áo dài của ca sĩ hát lô tô Lộ Lộ (phải) được may bởi một người đàn bà chỉ còn lại một cánh tay
Danh ca Bảo Yến cũng ngỏ lời sẵn lòng chia sẻ với Trác Thúy Miêu kỷ vật những tờ nhạc cô đã giữ gìn suốt mấy chục năm qua, là chứng tích vàng son của âm nhạc Sài Gòn. Dustin Phúc Nguyễn (giám đốc sáng tạo kênh Dustin On The Go) hứa sẽ chuyển đến Trác Thúy Miêu chiếc cà vạt kỷ vật của ông ngoại anh - một phụ kiện trọng yếu từng là chỉ dấu phong lưu, lịch thiệp của quý ông Sài Gòn…
Danh ca Bảo Yến ngỏ lời chia sẻ với Trác Thúy Miêu kỷ vật những tờ nhạc giữ gìn suốt mấy chục năm qua
Dustin Phúc Nguyễn hứa sẽ chuyển đến Trác Thúy Miêu chiếc cà vạt kỷ vật của ông ngoại anh
“Sài Gòn không thể chỉ quyến rũ người ta bởi ánh sáng phồn hoa khu trung tâm đô thị. Bởi nếu vậy, nó đâu thể nào bì kịp những kinh đô tân kỳ lộng lẫy khác trên thế giới. Cái lòng thương tưởng tương tư ấy còn được dấy nên bởi những mảng tối đời ven đô, của hồn vía hẻm nghèo nhếch nhác ánh điện câu, của những kiếp sống vỉa hè chen chân bên lề phồn thịnh.
Sài Gòn trong hoa có lệ, trong lệ có tình và cứ như thế, người ta không thể nào quên được thành phố kỳ lạ này…”, Trác Thúy Miêu bày tỏ.
Xem thêm: Danh ca Bảo Yến gặp lại kỷ niệm xưa trong Vọng Sài Gòn
Nhật ký thị dân là dự án tiếp nối từ quyển sách vừa phát hành của Trác Thúy Miêu: Vọng Sài Gòn - cũng là một hợp tuyển từ các bài viết đã khởi đăng đầu tiên trên Người Đô Thị, trong một chuyên mục đặc sản của báo, được độc giả rất yêu thích: Ký ức thị dân.
Độc giả có các kỷ vật và câu chuyện về Sài Gòn muốn chia sẻ để Trác Thúy Miêu cảm tác trong Nhật ký thị dân, có thể gửi thông tin và hình ảnh kỷ vật về fanpage Trác Thúy Miêu (https://www.facebook.com/JasmineTracThuyMieu) hoặc hộp thư tòa soạn Người Đô Thị: toasoan.
Bài: Khắc Chung - Ảnh: Kang Kim