mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Lên non tìm thảo dược

 08:45 | Thứ sáu, 11/06/2021  0
Thảo dược trong lành như những cơn mưa gió của đất trời. Thảo dược công bằng giữa giàu nghèo hèn sang giỏi dở. Thảo dược là báu vật.

Đoàn lấy thuốc dừng xe bên chân núi Bà Đội Om. Nhìn vách đá dựng đứng tôi ngán đường lên. “Phải đến những nơi ít dấu chân người mới có nguồn thuốc quý” - anh Tám Có, người có thâm niên mấy chục năm trong nghề lấy thuốc từ thiện nói vậy khi chỉ lối tôi đi.  

Đoàn của anh Tám Có đã quen lấy thuốc ở núi rừng nên dẫu họ ăn chay trường, người mỏng mảnh nhưng leo núi chẳng hề hấn gì. Tôi lê lết phía sau. Thuốc ở chốn nào? Tôi trèo miết trèo miết. Thấy mắt hoa, chân bủn rủn. Muốn than một tiếng mà sợ bị đuổi về nên ráng gồng gân leo tiếp. Đá tiếp đá rồi lại đá. Xen trong đá là những khoảng cát bằng được trồng kín đinh lăng. Thuốc ở xa hơn nữa.

Gần tới giờ cơm trưa, khi người đoàn đã lấy được mỗi người đầy một bao thuốc tôi mới đuổi kịp đoàn. Tôi ngập ngừng bước lại gần ghi một số hình ảnh những người lấy thuốc. Ngại ngần từng bước chân vì sợ loài bò sát dài dài ẩn dưới lá, ẩn đâu đó trong khe đá. Nơi càng hoang sơ, thuốc càng nhiều thì tiềm ẩn càng nhiều những loài động vật hoang dã chứa nọc độc. Những người lấy thuốc cứ theo bóng từng nhánh thuốc mọc trong kẹt đá, trên vách đá mà bương tới, nhổ, gỡ rễ... Bụi này dắt lối bụi kia, lên cao rồi lên cao nữa. 

Lấy thuốc chẳng dễ dàng gì. Hành trình đội những bao thuốc nặng xuống núi càng cam go hơn. Đường dốc đá dựng đứng trơn trượt, người đi lần dò len theo từng kẽ đá. Những bữa lấy nhiều thuốc, cả đoàn phải leo lên leo xuống vác thuốc ba bốn bận mỗi ngày trên con đường hẳm đứng đó.

Chú Út Cập trưởng đoàn vấn cái khăn rằn cười nụ cười đen giòn nắng gió: “Đi tới đây mà nhằm gì cô. Tụi tôi đi lấy thuốc từ hồi còn chạy xe đạp. Đạp từ nhà vô đây nửa ngày rồi leo núi đào thuốc rồi vác thuốc xuống núi. Một cuốc lấy thuốc đôi ba ngày mới về. Rồi thuốc ít dần, phải đi tận ngoài đảo, tận Campuchia, Thái Lan, Lào. Đã có nhiều người chết vì ngã bệnh khi đang lấy thuốc ở rừng sâu nước độc. Nhưng thấy thuốc là ham, là cứ đi không sợ cực”.

Chú Út Cập đang lấy ráng bay trên núi Bà Đội Om.


Chú Út Cập đã hơn sáu mươi, giỏi nghề bốc cốt thuê. Người ta lấy tiền công năm triệu, chú lấy hai triệu. Rồi chú dồn số tiền đó làm chi phí đi tầm thảo dược gom từng xe thuốc về phân phối cho những lương y giỏi trong vùng. Cực mà vui vì giúp đời. Nhìn thấy thuốc ham như người nông dân gặp vụ trúng mùa trúng giá. Những người như đoàn chú Út Cập, anh Tám Có tự biến đời sống mình thành những cánh tay khỏe mạnh thần kỳ của những thầy thuốc có tâm. Họ thay thầy thuốc nhọc nhằn trồng tỉa, chăm chút hoặc săn lùng những cây thuốc quý ở những nơi sơn lam chướng khí. Họ thay thầy thuốc len lỏi hiểm nguy để mang về cho bệnh nhân những vị thuốc tinh túy mà đất trời dày công hun đúc.

Trong chuyến đi này, đoàn kiếm thuốc nam dõi theo bóng dáng loài cây có cánh. Ráng bay. Chúng không có cánh nhưng chúng bay được. Chỉ cần bào tử có thể đậu lại được là sự sống hình thành. Nhìn từng giề ráng nằm len trong đá, tủa những chùm rễ dày, chứa những củ ráng to tràn nhựa thuốc, người ta tự hỏi: “Mùa hạn nó sống làm sao?”. Hạn ở đây cả cổ thụ có bộ rễ lớn dài bò sâu trong lòng đất cũng trụi lá, trơ thân. Lúc đó từng chùm ráng ăn bạ trên đá quẹo đầu xuống trong cơn nắng cháy và giữ gìn nâng niu trong những dòng nhựa sống nhỏ nhoi. Dòng nhựa cạn dần theo nguồn nước. Xác mẹ đã héo rũ từ lâu. Trước khi lụi tàn nó kịp vận hành chút sức lực sau cùng để nhân ra vô vàn bào tử. Những bào tử ẩn trong xác khô của mẹ, nằm im đó hay bay trong gió rồi tấp vào vách đá chờ đợi. Nắng rồi nắng rồi nắng nhiều hơn nữa. Mầm sống vẫn lặng thầm chờ đợi.

Con người ăn cây cỏ để rồi cái xác cuối cùng cũng hòa với đất để nuôi lớn cỏ cây. Trong cây cỏ có con người, trong con người có cây cỏ.

Từng chùm ráng đeo vách đá sống chờ sống đợi như vậy năm này qua tháng nọ.

Cây thuốc tự thân khát khao sống, vượt lên khắc nghiệt để sống, chẳng để ra hoa kết trái, cuối cùng là để tích tụ và lưu giữ những vị thuốc… Thảo dược sống lây lất đâu đó bên rừng bên núi, giữa rừng, bên những liếp cải liếp cà. Ai biết được tên thuốc, ai biết được công dụng. Mọi người chỉ gọi là cây tạp hay tệ hơn là cỏ dại. Thảo dược đã âm ỉ tích cóp trong nó bao nhiêu nắng gió khí trời. Bao nhiêu khoáng chất tinh khiết của đất nước gió trời được tiếp nhận và giữ lại trong từng thân thảo dược. Vậy mà khi về tới nhà thuốc, vào tay người dùng, những lát thảo dược chẳng còn đáng đồng tiền. Người ta dễ dàng hốt hàng trăm thang thuốc, uống không được quăng bỏ. Thảo dược có tội tình gì?  

Mỗi cơ thể con người là một sản phẩm của thiên nhiên. Từng giọt thảo dược là từng giọt thiên nhiên thuần chất. Thuận hay nghịch nó cũng đều thuận nghịch trong lẽ tự nhiên. Xã hội phát triển ào ạt cỡ nào để rồi cũng phải nhận ra những gì thiên nhiên tạo ra để vun bồi cho nhau đã là hoàn hảo. Cây ra hoa ra trái nuôi bướm nuôi sâu thì chính sâu bướm cũng vun bồi phân bón cho hoa cho trái. Con người ăn cây cỏ để rồi cái xác cuối cùng cũng hòa với đất để nuôi lớn cỏ cây. Trong cây cỏ có con người, trong con người có cây cỏ. Dòng chảy của khoáng chất vận hành như dòng tuần hoàn của nước qua đời sống muôn loài. Thảo dược, những loài sống lặng thầm như ráng bay, như nhân sâm, như tô mộc, cát loài…, sống không để dồn tinh chất cho hoa trái mà dồn tất cả khoáng chất tích tụ năm này qua năm kia cho thân lá củ rễ. Càng lâu năm, tinh chất càng đậm đặc đủ đầy, càng dạn dày vị thuốc.  

Anh Điền chăm sóc vườn thuốc nam rộng khoảng 15 công với hơn 20 loại, bên cây quế khâu đã tám năm mà chỉ cao ngang đầu người.


Thảo dược là một kho báu của đất trời. Nhưng nó chỉ quý với những ai thuộc về nó. Có một người thầy trong nghề thuốc nói “Ngoài đồng người gọi cỏ cây. Vào tay thầy thuốc cây thành linh đơn”. Nhưng được mấy thầy thuốc thật sự có thể biến cỏ cây thành linh đơn. Điều đáng ngại là chúng ta vẫn miệt mài rẻ rúng và miệt mài cầu may cùng thảo dược. Nên những nhà thuốc vẫn hốt thuốc ầm ầm, cây thuốc vẫn bị đốn ào ạt và thảo dược vẫn là nơi để bám víu cuối cùng khi bệnh tình đã đến giai đoạn cuối. Mỗi cuộc điều trị bằng thảo dược trở thành một cuộc chơi đen đỏ rủi may. 

Chúng ta hiểu quá ít về thảo dược. Giống như người xưa nói chúng ta chết trên đống thuốc. Chúng ta hiểu rất ít về thảo dược nên nhiều thầy thuốc kê toa không hợp cơ địa bệnh nhân, nhưng bệnh nhân tin thầy ráng uống khiến bệnh tình trầm trọng. Chúng ta lạm dụng nguồn thảo dược bởi đơn giản chỉ cần bước ra hè là có thể gom đầy nồi thuốc theo một cái toa trôi nổi nào đó. Thảo dược hay hóa dược đều cần liều lượng và cần những liệu trình. Những lương y thật sự hiểu nghề, thật sự có đạo đức nghề sẽ dõi theo từng ngày dùng thuốc của bệnh nhân, nắm vững từng đặc tính của những loài thảo dược để kê toa và đổi toa theo tình trạng bệnh. Nếu không được theo dõi tận tình bởi những thầy thuốc có lương tâm thì thảo dược sẽ là thuốc độc. 

Người thầy thuốc giỏi là một nhà nghiên cứu, có thể nắm được đặc tính của thảo dược, mô tả được những biểu hiện, lắng nghe những phản hồi. Người thầy thuốc giỏi sẽ nhận ra gốc gác từ đâu bệnh nhân bị rối loạn, dẹp bỏ cái gốc đó bằng cách nào. Nghiên cứu nhiều để nói được, nói rõ để tạo lòng tin cho bệnh nhân, người thầy thuốc đã tặng cho cái toa thuốc mình năm mươi phần trăm hiệu quả. Khi cơ thể tiếp nhận, một chút dược tính cũng làm cho cơn bệnh dịu dần. Khi cơ thể tiếp nhận, người ta có thể uống nước lã vẫn mạnh khỏe huống gì uống những dòng thảo dược mang tinh túy của đất trời.  

Sự sống của con người nằm trong cốt lõi câu tục ngữ “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Thuốc của người xưa là thảo dược. Chúng ta hiểu quá ít về thảo dược nên không có niềm tin vào thảo dược. Chúng ta hãy là người thầy của chính mình để đồng hành cùng thầy thuốc trong con đường chữa trị bệnh tình bằng con đường lành tính từ thảo dược. Đừng để sự mù mờ đẩy ta vào vòng tay của những lang băm và cũng đừng để sự mù mờ đổ oan cho thảo dược.   

Thảo dược trong lành như những cơn mưa gió của đất trời. Thảo dược công bằng giữa giàu nghèo hèn sang giỏi dở. Thảo dược là báu vật. Hãy vì câu nói của người xưa mà mở một đời sống khác. Hiểu và an lành cùng thảo dược. 

Bài và ảnh: Võ Diệu Thanh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.