mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Lấn biển Cần Giờ: Chưa thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và sinh kế người dân

 03:09 | Thứ năm, 29/08/2019  0
Ghi nhận của Người Đô Thị ghi nhận lại tiếng nói của người dân địa phương trong bối cảnh phập phồng chờ đợi dự án Khu đô thị du lịch lấn biển có được xây dựng.

TP.HCM chủ trương muốn xây dựng một khu đô thị lấn biển du lịch Cần Giờ quy mô 2.870 ha, trong đó có 2.718 ha lấn biển. Dự án nằm trên toàn bộ khu vực ven biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Đây là vùng đất có địa hình thấp, sát biển, gần các cửa sông nên chịu nhiều ảnh hưởng từ các điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu.

Dự án này đã được Bộ Tài nguyên môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường vào ngày 28.1.2019, theo Quyết định số 220/QĐ-BTNMT.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch đầu tư đã trình Thủ tướng chính phủ Báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biến Cần Giờ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh Dự án này.

Chưa thiết lập Hành lang bảo vệ bờ biển

Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay, vấn đề pháp lý về Hành lang bảo vệ bờ biển tại khu vực xây dựng dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ 2.870 ha, và việc giao khu vực biển cho tố chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển vẫn chưa được làm rõ.

Theo Khoản 2, điều 23 Luật Tài nguyên môi trường Biển và hải đảo, việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc trách nhiệm của UBND TP.HCM. Nhưng cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa thiết lập được hành lang bảo vệ bờ biển với Cần Giờ với chiều dài khoảng 20 km.

Theo một báo cáo giải trình của UBND TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ, khi thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, thành phố sẽ “bố trí các hành lang phù hợp với phạm vi và không ảnh hưởng đến các nội dung dự án”.

Trao đổi với Người Đô Thị, một nguồn tin từ Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo (thuộc Tổng cục Biển và hải đảo) cho biết: trừ những dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi có Luật Tài nguyên môi trường Biển và hải đảo (năm 2015) thì vẫn triển khai thực hiện. Còn với những dự án sau này, UBND địa phương đó phải thiết lập danh mục hành lang bảo vệ bờ biển trước, theo đó mới quyết định đâu là khu vực cần được bảo vệ, đâu là khu vực có thể phê duyệt làm dự án phát triển kinh tế.

Hiện nay vấn đề pháp lý về Hành lang bảo vệ bờ biển tại khu vực xây dựng dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ 2.780 ha, và việc giao khu vực biển cho tố chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển vẫn chưa được làm rõ. Ảnh: Lê Quân

Điều 23 Luật Tài nguyên môi trường Biển và hải đảo quy định, việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm để bảo vệ hệ sinh thái vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; và đặc biệt là đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào mô tả quy mô dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ mở rộng 2.870 ha và bản đồ hiện trạng, sẽ rất dễ dàng nhận thấy Dự án nằm án ngữ trên toàn bộ bờ biển 13 km của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh đang được khai thác làm du lịch hoặc nuôi trồng, đánh bắt hải sản.

Hàng loạt các công trình xây dựng, nhà ở, khu biệt thự, resort, khu vui chơi,… chắn tầm nhìn - ra biển của người dân; và một biển hồ nhân tạo rộng hơn 700 ha được quây lại, nằm gọn và bị “bao vây” bởi các dự án bất động sản, công trình xây dựng.

Nhiều chuyên gia nhận định, chủ trương đồng ý Vingroup đầu tư dự án lấn biển theo thực tế hiện nay của chính quyền TP.HCM, không chỉ nguy cơ lớn tạo xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp đầu tư và người dân địa phương, mà còn dễ khiến dư luận cho rằng chính quyền thành phố thiếu xem trọng quyền tiếp cận biển của người dân.  

“Dân ở đây chỉ biết nhờ vào biển”

Khi tiếp cận các thông tin về Dự án Khu đô thị lấn biển du lịch Cần Giờ, Người Đô Thị đã ghi nhận thực tế về hiện trạng và tiếng nói của người dân địa phương trong bối cảnh chờ đợi dự án có được xây dựng.     

Dự án Khu đô thị lấn biển du lịch Cần Giờ có quy mô dân số gần 230.000 người; đây là con số lớn gấp hơn 3 lần số dân cư hiện tại của huyện Cần Giờ. Dự án do công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ (một công ty con trong chuỗi các công ty kinh doanh bất động sản của công ty cổ phần Vinhomes, thuộc tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư.

Theo khoản 1 điều 24 Luật Tài nguyên môi trường Biển và hải đảo (TNMT B&HĐ), nghiêm cấm khai thác khoáng sản, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận; cấm xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng của dự án (khoản 2, điều 24); hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị du lịch của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên cũng là hành vi nghiêm cấm (khoản 6, điều 24),…

Lê Quỳnh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.