Dịch vụ công phải được quan tâm sớm nhất như chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nâng cấp các không gian công cộng để thêm tính hấp dẫn về đêm. Trong ảnh: Sài Gòn về đêm. Ảnh Nguyễn Đình
Cạnh tranh trong đêm
Kinh doanh ban đêm chủ yếu tập trung vào “công nghiệp nghỉ ngơi” phục vụ cho thời gian nhàn rỗi, gồm nhiều nhánh dịch vụ như “giải trí” (biểu diễn, show biz), “thể thao” (thi đấu), “vui chơi” (khiêu vũ, karaoke, các trò chơi, đánh bạc, công viên chuyên đề như Disneyland), “tham quan” (bảo tàng, triển lãm), “ẩm thực”, “chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (bơi lội, tắm hơi, tẩm quất, cắt móng tay, làm tóc) v.v.. Ở nước ta, công nghiệp nghỉ ngơi (leisure industry) ở TP.HCM phát triển khá mạnh mẽ, tuy vậy tiềm năng vẫn còn nhiều. Tại các thành phố lớn khác, kể cả Hà Nội, loại hình công nghiệp này còn rất nghèo nàn.
Năm 2012 một xếp hạng 10 thành phố về đêm tốt nhất thế giới được công bố bằng cách cho điểm dựa trên 4 tiêu chí gồm: số giờ hoạt động về đêm trong tuần, đám đông thân thiện và ưa nhìn, chất lượng và tính đa dạng của biểu diễn âm nhạc, và cuối cùng là ấn tượng mà mười năm sau còn có thể kể lại cho bạn bè! Kết quả đứng đầu là thành phố Ibiza của Tây Ban Nha, nơi du khách không nên ngủ (!), và đứng thứ 10 là Bangkok, nơi có thể trải nghiệm “phiêu lưu chất lượng cao và hợp pháp” (!). Như vậy cạnh tranh đô thị không chỉ diễn ra ban ngày mà cả ban đêm, với các thương hiệu đô thị nổi tiếng như Paris là “Thành phố Ánh sáng” hay New York là “Thành phố không bao giờ ngủ”. Hiển nhiên các hoạt động trong đô thị từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng đã góp phần tăng bản sắc, tạo nhiều việc làm và đóng góp đáng kể cho kinh tế và nguồn thu ngân sách đô thị.
Dịch vụ công cho đêm
Kinh nghiệm quốc tế cho biết trước hết chính quyền đô thị phải hiểu rõ và phân tích cuộc sống đô thị về đêm tại các địa điểm khác nhau vào thời khắc khác nhau. Đây không hề là việc dễ dàng, vì cả ba nền kinh tế chính thức, phi chính thức và phi pháp đều cùng hoạt động ban đêm (lợi dụng và diễn ra trong bóng tối).
Tiếp đó họ lập ra chiến lược phát triển kinh tế và văn hóa đô thị về đêm có sức thu hút cả dân bản địa lẫn kẻ vãng lai và du khách. Chẳng hạn năm 2007, London đã ban hành văn kiện “Quản lý nền kinh tế ban đêm” nhằm giới thiệu những kinh nghiệm thành công, đưa ra khung pháp lý và chỉ ra các việc cần làm, nhờ đó thủ đô nước Anh trở thành đô thị kiểu mẫu về đêm cho toàn Anh quốc.
Đương nhiên một số dịch vụ công phải được quan tâm sớm nhất như chiếu sáng công cộng và chiếu sáng công trình (theo hướng tiết kiệm năng lượng); gia tăng nâng cấp các không gian công cộng (bao gồm cả hè đường) để thêm tính hấp dẫn về đêm và thuận tiện trong mọi thời tiết (như tạo nơi nghỉ chân, lập quầy giải khát, đặt màn hình rộng, xây nhà vệ sinh, tổ chức mạng lưới taxi đêm v.v..). Tăng chức năng cho các phố đi bộ (không chỉ là không gian công cộng) mà còn là không gian thương mại và dịch vụ. Vấn đề “tạo nơi chốn ban đêm” đòi hỏi các kiến trúc sư và nhà quy hoạch phải được trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng đặc thù. Tóm lại, “sáng, sạch, hấp dẫn, an toàn” là phương châm quản lý đô thị về đêm.
Nói chung không gian “công nghiệp nghỉ ngơi” chỉ nên hoạt động tại các khu trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính cấp thành phố và cấp quận để khỏi tổn hại đến nhu cầu yên tĩnh của các gia đình. Cần rất thận trọng hạn chế quy mô và thời gian của một số dịch vụ ẩm thực và vui chơi tại các khu nhà ở. Vì vậy nhiều nước xây dựng khuôn khổ pháp lý chuyên đề cho các dịch vụ nghỉ ngơi về đêm, việc kinh doanh phải được cấp phép riêng (loại hình dịch vụ, số lượng, địa điểm, quy mô, thời lượng v.v.).
Tóm lại, đô thị càng lớn, càng phồn vinh thì cuộc sống đô thị về đêm càng tấp nập, phong phú và kéo dài. Mong rằng chính quyền các đô thị nước ta dù lớn hay nhỏ, các nhà làm chính sách và các chuyên gia nghiên cứu đô thị nên bắt đầu quan tâm đến chủ đề mới mẻ này của quản lý đô thị
TS. Phạm Sỹ Liêm