mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Khi phát hiện bị cục máu đông, nên làm gì?

 00:36 | Thứ năm, 02/01/2025  0
Khi xuất hiện cục máu đông ở tim thì chúng ta sẽ phải sử dụng thuốc chống đông lâu dài và theo chỉ định của bác sĩ, không đợi đến khi tắc mạch mới can thiệp.

Cục máu đông được hình thành trong thành mạch hoặc buồng tim sẽ không có triệu chứng gì đáng kể cho tới khi nó gây ra tắc mạch hoặc biến cố nào đó như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Do đó, người có yếu tố nguy cơ mạch máu hoặc mắc bệnh lý tim mạch thì cần được thăm khám, kiểm tra định kỳ để đánh giá nguy cơ tắc mạch máu não, mạch vành, mạch chi,...

Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau tùy thuộc vào cơ quan mà chúng ta muốn kiểm tra. Ví dụ, đánh giá mạch vành thì có siêu âm gắng sức, MSCT mạch vành,... Nếu muốn đánh giá trình trạng xơ vữa, hẹp mạch ở mạch máu não thì có siêu âm động mạch.

Thuốc chống đông có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông ở bên trong mạch máu. Ảnh: TL


Những người có cục máu đông nghĩa là người đã có biến cố về tim mạch hoặc biến cố về đột quỵ thì sẽ có nguy cơ tái phát. Chúng ta nên dự phòng huyết xuất hiện chứ không đợi huyết khối xuất hiện và gây ra hậu quả mới điều trị.

Ngoài việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, đường huyết, lipid máu, ngưng hút thuốc lá thì chúng ta nên sử dụng thuốc để tránh hình thành các cục huyết khối. Ví dụ, bệnh nhân có tiền sử đột quỵ não do xơ vữa mạch thì cần phải sử dụng thuốc kháng tiểu cầu để phòng ngừa sự tạo thành huyết khối trên mảng xơ vữa đó. Hoặc trường hợp bệnh nhân có cục máu đông trong tim thì chúng ta cần sử dụng thuốc chống đông máu để ngăn sự di chuyển của cục máu đông.

Khi xuất hiện cục máu đông ở tim thì chúng ta sẽ phải sử dụng thuốc chống đông lâu dài và theo chỉ định của bác sĩ, không đợi đến khi tắc mạch mới can thiệp.

Một số trường hợp dù đã dự phòng tối ưu theo khuyến cáo của bác sĩ nhưng vẫn có nguy cơ bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Trong những trường hợp đó, chúng ta cần xử trí nhanh chóng để làm tan cục máu đông. Đối với tắc mạch máu não thì hiện nay có hai phương pháp cấp cứu trong giờ vàng là thuốc tiêu huyết khối và can thiệp để hút cục máu đông ra ngoài.

Những người có yếu tố nguy cơ đột quỵ như người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá thì nên tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ để kiểm soát tốt nguy cơ. Đồng thời, nếu chúng ta đã từng có biến cố về đột quỵ hoặc biến cố về tim mạch thì nên có điều trị dự phòng bằng thuốc chống đông hoặc thuốc chống huyết khối để ngăn ngừa đột quỵ tái phát.

BS-CK2. Nguyễn Thị Phương Nga (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.