mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Huỳnh Trọng Khang & Giấc ngủ lúc 11g30

 03:38 | Thứ sáu, 20/07/2018  0
LTS. Huỳnh Trọng Khang không phải cái tên lạ với những ai thường xuyên theo dõi văn học Việt Nam. 2016, Khang lần đầu tiên xuất hiện với tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ và được trao giải Sách Hay 2017 hạng mục “Phát hiện mới” (*). Hơn một năm sau, Khang ra thêm cuốn thứ hai "Những vọng âm nằm ngủ", như sự nối dài cho một kết thúc.

Mộ phần tuổi trẻ, nhà sách Nhã Nam in, chấm dứt ở mốc 1968. Thực ra mạch tiểu thuyết vẫn còn tiếp tục nhưng tuyến truyện đã chấm dứt ở đó. Những vọng âm nằm ngủ, nhà sách Phương Nam ấn hành, nối từ 1968 đến 1975. Bối cảnh lịch sử và dã sử là điều không lạ trong thể loại tiểu thuyết, vấn đề vẫn là cách khai thác, là tác giả, chủ nhân bản thảo sẽ làm gì. Nếu Mộ phần tuổi trẻ viết theo hướng truyền thống, một giọng kể thì sang tiểu thuyết thứ hai là một đổi mới vượt bậc: có hơn ba giọng kể, chưa tính các giọng hú gọi trong tiềm thức và trong các bản tường trình.

Các nhân vật, dù giữ vai chính như K, Sylvia, Lily hay Tuấn, Kiếm, Diệu... đều lên tiếng, kể bằng vai nhau, nghĩa là xưng “tôi” trong vị trí người trong cuộc, kẻ trải đời, trung tâm của mạch chuyện. Tiểu thuyết đoạn nào cũng ngập úng trong mùi khói lửa, dù có hay không binh đao. Một Sài Gòn đổ nát, một Việt Nam Cộng Hòa hoang phế. Các nhân vật không tìm thấy lối thoát, không đứng về chiến tuyến nào và không chọn riêng cho mình ranh giới nào. Sự không lối, người đọc hẳn đã gặp ở cuốn tiểu thuyết đầu tay của Huỳnh Trọng Khang, vẫn xu hướng đấy, lại một lần nữa quen mặt ở Những vọng âm nằm ngủ. Đấy là sự sáo mòn, quẩn quanh chăng, có thể nhưng chưa đúng, bởi văn chương vốn là sự không lối thoát.

Nguyễn Huy Thiệp đã nói rằng “chỉ những kẻ thất bại mới tìm đến văn chương”. Hành trình của văn chương không nghĩa lý gì nếu chỉ có sự tốt đẹp, tích cực, tiếng cười vui bởi những điều trên chỉ đúng trong thể loại sách truyền cảm hứng, nói trắng ra là sách tuyên truyền về cái tốt như Đắc nhân tâm. Thế giới này muôn đời hỗn loạn, đầy bất trắc, con người luôn loay hoay, thấy bí thở, thấy tuyệt vọng, văn chương có trách nhiệm đào sâu vào những tối đen để lóc ra mặt thật của đời sống. Bởi lẽ văn chương không phải triết học, tôn giáo hay nghiên cứu khoa học; bản chất của văn chương là phản biện lại tất cả mọi lý thuyết về sự hướng thiện. Những vọng âm nằm ngủ là một tiểu thuyết cực phản như vậy.

K, Sylvia, Lily tìm đến tình dục bởi họ không biết yêu. K là biểu hiện của một cơn mộng dai dẳng giữa đời sống. K sống trong nhà thờ nhưng không phụng Chúa, lang bạt khắp nơi như kẻ không nhà. Lily cắt tay, tìm đến phép thôi miên, sự quên nhưng bất thành. Sylvia suốt đời chung tình với K, có thể cô yêu thật, cũng có thể không. Một đời người luôn có nhiều cuộc tình, ngoài K, còn có Tuấn, kẻ giống K nhưng tàn bạo hơn K và Kiếm - một hậu nhân thuộc lứa con cháu hao hao như K. Diễn biến thời gian luôn trong một khung giờ, 11 giờ 30, thời khắc chính quyền Sài Gòn thành tro tàn.

“11 giờ 30. Chiếc đồng hồ cũ kỹ đem về từ Lào vẫn chạy giờ Đông Dương suốt chục năm nay. Sau chục năm, nó đã thấm mệt, những bước chân mỏi nhích chậm một giây”... (trang 7) - đây là dòng mở đầu tiểu thuyết.

“... Trong một ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành Paris. Có một bà lão ăn thời gian. Bà ngồi đó ăn từng khắc được nghiến ra dưới những bánh răng của chiếc đồng hồ đem về từ Lào vẫn chạy giờ Đông Dương suốt mấy chục năm qua” (trang 235) - đây là dòng mở đầu đoạn cuối tiểu thuyết.

Liên kết hai đoạn trích trên, đọc kỹ, có thể giải mã mối tình giữa các nhân vật trong sách cùng những cảm xúc, tư tưởng của họ. Tất cả bị kẹt trong một giai đoạn lịch sử, dù nó đã lùi xa, khép lại nhưng rất ít người trong số họ có thể đào thoát. K, ngoài biểu hiện của sự nằm ngủ, còn đóng dấu cho một thế hệ sinh ra, sống trong thời chiến nhưng không nhập chiến. Tuấn là một phiên bản khác của K, một kẻ đập phá, là mặt ác, họng súng của chàng thanh niên K vô hại. Kiếm là thế hệ sau, cô đơn giữa hai dòng máu, chịu kiếp lưu vong nhưng cũng là mấu chốt, đường gươm chấm dứt giấc ngủ dài đầy máu tanh.

Những vọng âm nằm ngủ có vài đoạn nối nhau, viết về một chuyến đò, có hoặc không có mặt K. Nhà sư tìm đường sang sông nhưng không biết. Trên chuyến đi, họ gọi “Minh ơi”, một cái tên đầy ngờ vực bởi không biết đây là tên người hay tên vật, một địa danh cụ thể như Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Lâu Đài của Kafka hay một thứ thuộc hư về hư vô. Đoàn người gọi tìm ánh sáng (minh) nhưng chỉ vật vờ trong đêm tối (u minh). Không có Chúa, chẳng thấy Phật, chỉ một toán người lẻ loi, trôi nổi giữa mênh mông bóng tối. Những người ở lại luôn vô vọng, những kẻ tìm đường càng vô vọng, những ai đã vượt biên, tưởng rằng sẽ trốn được chiến tranh nhưng càng vô vọng. Thời gian ăn mòn đi từng người. Đấy là bi kịch của chiến tranh.

Hai cuốn tiểu thuyết nối với nhau trong cùng một chủ đề, cùng khai triển, tái hợp. Đọc Mộ phần tuổi trẻ trước rồi đến Những vọng âm nằm ngủ hoặc ngược lại cũng không quan trọng gì, bởi hai cuốn sách bổ trợ cho nhau, nói đúng hơn đấy là các số phận đi song song với nhau chứ không gặp nhau. Chiến tranh tưởng rằng đã chết, lịch sử tưởng rằng đã sang trang nhưng thứ dư ba hãi hùng vẫn còn mãi muôn đời khi mỗi người trẻ, thế hệ cận đại chưa quên lịch sử, chưa phó mặc những trầm tích bị lãng quên vĩnh viễn.

Huỳnh Trọng Khang, với hai cuốn sách đã làm tốt cả hai trách nhiệm, một công dân và một người viết văn tự do. Một thành công hay một sự bắt đầu mới, tôi không chắc nhưng với sự nghiêm túc trong sáng tạo, Khang đã đi xa hơn trên một con đường cô độc. 

Nhà văn Hồ Anh Thái: “Tác giả như Huỳnh Trọng Khang đã chứng minh rằng sự trải nghiệm qua sách cũng có sức thuyết phục, khác với quan niệm của chủ nghĩa hiện thực rằng trải nghiệm phải là vốn sống giữa cuộc đời… Khang đọc rất nhiều, và một khối lượng lớn kiến thức lịch sử, cả chính sử và dã sử, văn chương, nghệ thuật, kể cả tâm trạng của thời đại, được huy động dày đặc... Kiến thức sách vở được chuyển hóa thông qua một cái nhìn hóm hỉnh, qua một rãnh nứt trên cặp kính, khiến cho sự vật chỗ phồng chỗ xẹp theo kiểu giễu cợt. Khi ấy lịch sử cũng như đời sống không còn là chính nó mà chỉ là ấn tượng tác giả muốn truyền tới người đọc... Bước chân đầu tiên của Huỳnh Trọng Khang vào văn chương là một cuốn sách gợi nhiều cảm hứng cho người đọc.” 

TS. Quách Thu Nguyệt, thành viên Hội đồng trao giải Sách Hay: “Là người đề xuất và được Hội đồng trao giải đồng thuận Mộ phần tuổi trẻ đoạt giải Sách Hay 2017 hạng mục “Phát hiện mới” vì tác phẩm có tính sáng tạo, tiến bộ, tôi ủng hộ và khuyến khích các tác giả trong nước thể hiện tư duy, cách viết khác biệt, có đôi chút đột phá như Huỳnh Trọng Khang”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: “Huỳnh Trọng Khang xuất hiện với tác phẩm đầu tiên đã được chú ý tức là có nội lực, có khả năng. Đọc, người ta mới hay rằng văn chương không phải là viết cái nhìn thấy, cái sống qua. Văn chương là cách nhào nặn hiện thực theo những cứ liệu lịch sử. Nền văn học hiện nay, đúng là của lớp trẻ. Trên cái nền đó, chúng ta hy vọng và bắt đầu có những tên tuổi được nhắc đến”. 

(Lược trích từ Tuổi Trẻ, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn...)

Tru Sa - Ảnh: Quý Hòa

____________________

(*) Giải Sách Hay do Viện Giáo dục IRED, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu tổ chức thường niên từ 2007

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cơ hội mua nệm giá tốt chính hãng

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.