mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Hướng tới một bộ luật Dân sự vang vọng tiếng dân

 15:43 | Thứ bảy, 21/06/2014  0

Sứ mệnh đầu tiên và căn bản nhất của bộ luật Dân sự là thừa nhận và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản nhất của đời sống dân sự.

Vai trò luật gốc

Các chế định pháp lý như chủ thể, tài sản, hợp đồng, thừa kế… của luật Dân sự, trước hết, đều phải được thiết kế nhằm phản ánh mong ước của mọi cá nhân về quyền tự do chủ thể, về bảo vệ tính tuyệt đối của quyền tư hữu, nguyên tắc tự do kết ước, tự do định đoạt di sản, nguyên tắc về trách nhiệm do lỗi.

Bộ luật Dân sự sẽ hoàn thiện hơn nếu được xây dựng như một thiết chế hỗ trợ, cung cấp các giải pháp pháp lý tối ưu cho người dân, nhằm tối đa hoá giá trị của tài sản, thúc đẩy các giao lưu dân sự. Dựa trên nguyên tắc bảo vệ tính tuyệt đối của quyền tư hữu, hệ thống pháp luật về tài sản công khai, minh bạch sẽ giúp cho người dân khai thác không chỉ giá trị vật chất tài sản, mà tối đa hoá giá trị pháp lý, tiền tệ của tài sản. Dựa trên nguyên tắc tự do hợp đồng, hệ thống pháp luật hợp đồng nếu được thiết kế đúng với kỳ vọng của các chủ thể kết ước sẽ giúp họ giảm thiểu chi phí giao dịch trong việc tiếp cận, đàm phán, thực thi hợp đồng…

Bộ luật Dân sự, theo những cách thức đó, phải là thứ tài sản quý báu cho tất cả mọi người dân, là một tuyên ngôn pháp lý quan trọng nhất phản chiếu đời sống dân sự và định hướng phát triển của quốc gia.

Luật Dân sự năm 1995 là công trình pháp điển hoá pháp luật dân sự đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về mối quan hệ nhà nước và đời sống dân sự. Đây như một tuyên ngôn pháp lý của nhà nước về từ bỏ cơ chế quản lý tập trung kế hoạch hoá, hướng tới phát triển kinh tế thị trường, trả lại và tôn trọng các nguyên lý cơ bản nhất của đời sống dân sự cho người dân. Các nguyên tắc căn bản như: tự do kinh doanh, tự do giao kết hợp đồng, tôn trọng và bảo vệ quyền tư hữu đã từng bước được ghi nhận. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tư duy về nhà nước hành chính vẫn nặng nề. Không khó để chỉ ra các thiết chế của luật Dân sự còn chứa đựng nhiều quy phạm mang tính mệnh lệnh như: quy định về hộ tịch để kiểm soát cá nhân, chế định về hình thức sở hữu có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình hữu sở hữu…

Mọi cuộc cải cách pháp luật dân sự cần hướng tới chủ đích duy nhất: hỗ trợ cho mọi người dân được tự do và an toàn thiết lập, tổ chức đời sống dân sự của riêng mình. Và nếu có thể, hãy tìm cách thúc đẩy sự lựa chọn cá nhân đó.

Mười năm sau, đứng trước yêu cầu mới của hội nhập quốc tế, luật Dân sự Việt Nam 2005 được sửa đổi nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế, gia nhập WTO. Luật Dân sự được khẳng định vai trò là luật gốc trong hệ thống luật tư, thống nhất pháp luật hợp đồng và cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm. Mặc dù vậy, sự thay đổi về tư duy quản trị nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi vẫn chưa hoàn toàn được thực thi. Các quy định về các hình thức sở hữu vẫn tiếp tục được duy trì, các quy định về hợp đồng trọng thức, hay các quy tắc mang tính cấm đoán như trong giao dịch về thế chấp vẫn thể hiện tư duy làm thay, lo thay các chủ thể của đời sống dân sự…

Bộ luật của dân

Một bộ luật Dân sự hoàn thiện hơn đang được kỳ vọng mạnh mẽ. Một mặt, bộ luật Dân sự đó phải đáp ứng những nhu yêu cầu về kỹ thuật pháp lý như tính rõ ràng, tính dự báo… Mặt khác, về mặt nội dung, cơ hội tác động vào quá trình hoạch định chính sách của mọi giới phải thực sự được bảo đảm trong tiến trình sửa đổi luật Dân sự sắp tới. Quá trình thảo luận công khai là cơ hội quý báu để làm sáng tỏ chính sách. Ở đó, ước vọng về quyền tư hữu đất đai hay nhu cầu kết hôn đồng giới như sự ghi nhận các quyền dân sự căn bản nhất của con người sẽ được lắng nghe và thảo luận. Ở đó, đề nghị mạnh mẽ của doanh nhân về bảo hộ quyền tự do kinh doanh, quyền tự do giao kết hợp đồng sẽ có cơ hội được tranh luận với nhu cầu can thiệp của nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên yếu thế như người tiêu dùng. Ở đó, các giải pháp giải quyết những thất bại của thị trường như vấn đề ô nhiễm ngày càng trầm trọng bằng cách áp đặt chế định trách nhiệm dân sự nghiêm ngặt hơn, phải được tính toán thận trọng để cân bằng tăng trưởng với an sinh.

Mọi cuộc cải cách pháp luật dân sự cần hướng tới chủ đích duy nhất: hỗ trợ cho mọi người dân được tự do và an toàn thiết lập, tổ chức đời sống dân sự của riêng mình. Nhà nước không nên và không thể can thiệp trực tiếp vào cách thức, mong muốn thiêng liêng đó của người dân, mà chỉ nên đóng vai trò trọng tài bảo hộ các sản phẩm của quá trình sống đầy sáng tạo của họ. Và nếu có thể, hãy tìm cách thúc đẩy sự lựa chọn cá nhân đó.

Đỗ Giang Nam, khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.