mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Huế lấy ý kiến trùng tu Châu Hương Viên: Còn “nợ” tiền nhân

 21:06 | Thứ bảy, 10/07/2021  0
Để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Ưng Bình tại Châu Hương Viên, Bảo tàng Lịch sử tỉnh vừa tổ chức buổi tọa đàm nhằm lấy ý kiến các đơn vị, cá nhân về việc trùng tu di tích này.

Không phải ngẫu nhiên mà Châu Hương Viên được ông Phan Ngọc Thọ chọn là một trong 3 điểm đến trong chuyến khảo sát chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND tỉnh của ông. Hai công trình, di tích kia là tháp Chăm Phú Diên (Phú Vang) và Nhà máy xi măng Lăng Thọ.

Tôi nghĩ, sự lựa chọn này trước hết là bởi nét đặc sắc và sau đó, rất đáng nói là sự xuống cấp của cả 3 công trình. Có vẻ như là một người tâm huyết với chức trách và công việc, ông Thọ áy náy như đang “nợ” các bậc tiền nhân một việc làm.

Di tích Châu Hương Viên. Ảnh: Q.T

Huế xưa nay được biết đến là thủ phủ của xứ Đàng Trong và Kinh đô của nhà Nguyễn. Thế nhưng, với tháp Chăm Phú Diên, lịch sử huy hoàng của vùng đất như đẩy lùi về quá khứ và đó là niềm tự hào lớn lao của vùng đất. Nhà máy xi măng Long Thọ đã được di dời, nhưng cùng với các công trình như Nhà máy nước hay Nhà đèn Huế, là dấu tích lịch sử về thời kỳ phát triển công nghiệp sơ khai của Thừa Thiên Huế. Còn Châu Hương Viên là một câu chuyện lịch sử gắn liền với một ông Hoàng xứ Huế, cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị và niềm tự hào của vùng đất Thần kinh - ca Huế.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877 - 1961), là cháu nội ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh. Cụ đỗ cử nhân Hán học (1909), ra làm quan, từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ (1940 - 1945). Cụ cũng là một nhà thơ lớn, đã để lại gần 2.000 bài thơ và nhiều vở tuồng nổi tiếng. Riêng vở tuồng “Tào lao” được vận dụng đưa vào 21 làn điệu dân ca Huế. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị được xem là người có công lớn trong sự hình thành và phát triển ca Huế. Châu Hương Viên, ngôi nhà cổ ba gian hai chái trong khu vườn rộng lớn, tĩnh mặc bên bờ sông Hương (nay ở đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế), là nơi cụ Ưng Bình sinh sống sau khi hồi hưu.

Cảm nhận có nét tương đồng giữa nhạc sĩ Cao Văn Lầu, được xem là biểu tượng, tác giả tác phẩm “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị với ca Huế. Đờn ca tài tử Nam Bộ được xem có nguồn gốc từ ca Huế. Tôi đã có dịp vào Bạc Liêu và được biết cùng với việc tổ chức các hoạt động biểu diễn, một khu tưởng niệm cũng được xây dựng tại nơi đây, không chỉ góp phần tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và ông Cao Văn Lầu mà còn là điểm đến trong hành trình thưởng ngoạn và khám phá sản phẩm du lịch phương Nam đặc sắc này dành cho du khách. Một lần đến thăm khu tưởng niệm này cách đây không lâu, tôi đã chạnh lòng khi nhớ đến Châu Hương Viên đổ nát.

Dẫu muộn hơn không, dự án tu bổ, tôn tạo Châu Hương Viên thành một địa điểm quan trọng để bảo tồn, vinh danh và phát huy giá trị của ca Huế mà ngành văn hóa đang triển khai là rất cần thiết. Và với ý nghĩa đó, cuộc viếng thăm của ông Phan Ngọc Thọ vào đầu tháng 6 vừa qua trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh với lời nhắn nhủ đẩy nhanh tiến độ và thực hiện kỹ lưỡng dự án là điều đáng suy nghĩ.

Văn hóa Huế không chỉ có kinh thành Huế và những giá trị liên quan gắn liền với xứ Đàng Trong và Vương triều Nguyễn mà hơn thế, rất đa dạng và phong phú, đang cần có ngay những sự đầu tư tâm huyết để bảo tồn và phát huy. Cùng với tháp Chăm Phú Diên và Nhà máy xi măng Long Thọ, Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình là 3 trong số rất nhiều điểm nhấn đó.

Đan Duy 

Lấy ý kiến trùng tu Châu Hương Viên

Để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Ưng Bình tại Châu Hương Viên, Bảo tàng Lịch sử tỉnh vừa tổ chức buổi tọa đàm nhằm lấy ý kiến các đơn vị, cá nhân về việc trùng tu di tích này.

Theo dự án tu bổ, tôn tạo di tích Châu Hương Viên đang được Bảo tàng Lịch sử tỉnh lập các thủ tục xin phê duyệt, dự án sẽ tu bổ, phục hồi nhà chính, nhà phụ, bình phong, sân nền, hàng rào… của di tích này.

Đơn vị tư vấn trình bày phương án thiết kế trùng tu di tích Châu Hương Viên

Cụ thể, nhà chính, nhà phụ được xây phục hồi tường chân móng, bậc cấp, tường bao bằng gạch thẻ, trát vữa hoàn thiện bảng màu theo nguyên gốc; làm hệ thống hào chống mối nền; phục hồi chân táng đá thanh; phục hồi hệ kết cấu gỗ, cửa...

Mục tiêu của dự án là bảo tồn các yếu tố gốc của di tích; tu bổ thích nghi công trình với công năng mới; tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật nhằm hồi sinh di tích Châu Hương Viên.

Các ý kiến tại buổi tọa đàm ủng hộ chủ trương phục hồi, trùng tu di tích Châu Hương Viên. Đây cũng chính là điều mong mỏi của các văn nghệ sĩ Huế và những ai yêu mến danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Bên cạnh việc trùng tu, phục hồi di tích, điều các đại biểu quan tâm là việc phát huy giá trị, đưa nơi đây trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa độc đáo, nhất là phát huy giá trị ca Huế.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, công trình di tích Châu Hương Viên được thực hiện là dấu ấn quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể lẫn phi vật thể, gắn liền với danh nhân có công rất lớn trong việc phát triển thơ văn, tuồng, ca Huế. Ngoài ra, nơi này sẽ trở thành một địa chỉ sinh hoạt của câu lạc bộ thơ, các chương trình biểu diễn ca Huế, kết hợp đưa vào các tour tuyến phục vụ khách du lịch.

Tin, ảnh: Minh Hiền

Nguồn Báo Thừa Thiên Huế online
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.