Theo đó, căn cứ quy định tại Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17.2.2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố chủ động phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các đơn vị liên quan lập và phê duyệt kế hoạch, kinh phí tổ chức thi tuyển và nhiệm vụ thiết kế (kiến trúc công trình cầu Trần Hưng Đạo - PV) theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 18 Nghị định 85/2020/NĐ-CP.
Thành lập Hội đồng thi tuyển theo quy định tại điều 19 Nghị định 85/2020/NĐ-CP. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đề nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam giới thiệu các chuyên gia, kiến trúc sư có uy tín, kinh nghiệm (kể cả chuyên gia nước ngoài) để mời tham gia Hội đồng thi tuyển.
Ngoài ra, trên cơ sở thống nhất với Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố quyết định thành lập Tổ kỹ thuật để giúp việc cho Hội đồng thi tuyển.
Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố đăng tải công khai thông tin cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng; báo cáo UBND TP đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của UBND TP và Sở Quy hoạch - Kiến trúc trong thời gian tối thiểu 30 ngày để huy động rộng rãi sự tham gia, hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân đăng ký thi tuyển.
Trước đó Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội nhận được công văn số 3453/UBND-ĐT ngày 11.10.2021 của UBND TP về việc tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Trần Hưng Đạo. Cụ thể, UBND TP giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố (đơn vị tổ chức thi tuyển) và Công ty cổ phần Him Lam (đơn vị tài trợ kinh phí thi tuyển) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc công trình cầu Trần Hưng Đạo theo quy định của Luật Kiến trúc. Đồng thời, UBND TP cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo quy trình quy định.
Kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương được lựa chọn và gây tranh luận. Ảnh: TEDI
Như Người Đô Thị đã đưa tin, ngày 27.9, Tổng hội Xây dựng Việt Nam có văn bản góp ý hàng loạt vấn đề về dự án cầu Trần Hưng Đạo (Hà Nội), gửi Thành ủy và UBND TP.Hà Nội.
Công văn do TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam ký, được gửi đi sau khi biết tin Hà Nội đang có kế hoạch đầu tư xây dựng một cây cầu mới (cầu Trần Hưng Đạo) nối từ khu phố cũ thuộc quận Hoàn Kiếm với khu vực phát triển mới thuộc quận Long Biên, nhằm kết nối các tuyến đường của Hà Nội với các tỉnh thành phía Bắc, phía Đông, giải tỏa ách tắc giao thông nội đô, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thành phố.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với định hướng quy hoạch chung, quy hoạch giao thông Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tài liệu dự án và tổ chức toạ đàm trực tuyến với các chuyên gia, Tổng hội nhận thấy dự án còn một số vấn đề cần phải xem xét lại:
Về thi tuyển phương án kiến trúc của cầu, theo Tổng hội, công trình cầu Trần Hưng Đạo có kế hoạch tổ chức tuyển chọn phương án kiến trúc từ tháng 3.2020 và đến tháng 8.2021 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trình UBND TP.Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Mặc dù phù hợp với các quy định của pháp luật nhưng với tính chất hết sức đặc biệt của công trình, Tổng hội kiến nghị lãnh đạo thành phố cho thực hiện phương án thi tuyển nhằm huy động nhiều nhất các năng lực sáng tạo, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho tác phẩm xứng đáng với tầm vóc Thủ đô phát triển văn minh, hiện đại.
Tổng hội viện dẫn Điều 81 Luật Xây dựng năm 2014 quy định: “Công trình công cộng quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc thù phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng” và “Người quyết định đầu tư quyết định việc thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng”.
Đồng thời, Điều 17 Luật Kiến trúc 2019 quy định “Công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc bao gồm: a) Công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I; b) Nhà ga đường sắt trung tâm cấp tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng; cầu trong đô thị từ cấp II trở lên, ga đường sắt nội đô từ cấp II trở lên;…”.
Về quy hoạch kiến trúc và yêu cầu kỹ thuật, để tổ chức thành công việc thi tuyển tránh những đáng tiếc như việc lựa chọn phương án thời gian qua, Tổng hội kiến nghị nhiệm vụ thiết kế làm rõ một số nội dung. Trong đó, về quy hoạch, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các lĩnh vực quy hoạch giao thông thủy bộ, quy hoạch đô thị, nhất là khu vực đô thị hai bên bờ sông Hồng và quy hoạch thủy lợi, đảm bảo tính bền vững phù hợp với biến đổi khí hậu và phù hợp với trị thuỷ sông Hồng.
Về hình thức kiến trúc, cụ thể là nguyên tắc thiết kế, công trình cần có phong cách kiến trúc và kết cấu hiện đại, công nghệ, vật liệu tiên tiến mang dấu ấn thời đại, hình thức tiêu biểu của Thủ đô - Thành phố sáng tạo và thời kỳ cách mạng 4.0. Không sao chép hình ảnh không thuộc về kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Về không gian cảnh quan phải phù hợp với kiến trúc cảnh quan hai đầu cầu, tỷ lệ vừa phải, nhất là tại các vị trí đấu nối tiếp cận với khu phố cũ (đường Trần Hưng Đạo – quận Hoàn Kiếm). Đặc biệt lưu ý tạo hình mang ý nghĩa, quan trọng có thể quan sát được không gian cầu đi qua sông Hồng đoạn có mặt nước, phục vụ việc chiêm ngưỡng kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo từ du lịch trên sông và từ các cây cầu lân cận khác nhìn sang.
Công trình cần nghiên cứu các hình tượng thể hiện khát vọng vươn lên, độc lập tự cường của dân Việt, kết hợp cả kiến trúc và điêu khắc những hình tượng giao thoa giữa kiến trúc cổ Việt Nam và vật liệu hiện đại, thậm chí các hình ảnh thể hiện quá trình phát triển Hà Nội từ khu phố cổ, phố cũ của trung tâm nội đô lịch sử (quận Hoàn Kiếm) sang khu phát triển mới (quận Long Biên), giữa quá khứ và hiện tại với những hình ảnh không nhất thiết phải giống nhau.
Cầu Trần Hưng Đạo phải thực sự trở thành điểm nhấn đô thị về kiến trúc, biểu tượng của văn hóa, thẩm mỹ đương đại. Hình thức, khối tích, ánh sáng trên cầu hài hòa với không gian đô thị.
Về các yêu cầu kỹ thuật, Tổng hội kiến nghị cần áp dụng các vật liệu hiện đại, công nghệ tiên tiến và các tiến bộ khoa học mới về kết cấu mang dấu ấn của thời đại.
Cần Trần Hưng Đạo cần đảm bảo khoảng cách tĩnh không của cầu thống nhất và tương đương với các cây cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy… để thuận lợi cho giao thông đường thủy; Thỏa mãn các yêu cầu của các phương tiện giao thông nội đô, đặc biệt nút giao thông đầu mối, các điểm vượt đường bộ.
Về hình thức đầu tư, theo Tổng hội, vì đây là công trình giao thông nội đô, phục vụ chủ yếu cho sự đi lại của nhân dân khu vực các quận nội thành, vì vậy cần nghiên cứu thêm về tính khả thi khi vận dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Khi áp dụng hình thức hợp đồng BOT, thu phí để hoàn vốn trong vòng 20 năm, cần tính toán kỹ phương án tài chính của dự án, do tất cả các cầu trong khu vực đều không thu phí, và do ảnh hưởng bởi việc phân lưu giao thông sang hai cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy.
Về tên cầu, Tổng hội nhận định công trình cầu mới qua sông Hồng (cầu Trần Hưng Đạo) là một trong những công trình giao thông quan trọng của Thủ đô, được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân cả nước, việc đặt tên gọi cho cầu cũng cần tham khảo dư luận xã hội và phảỉ được Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua theo quy định. Vì vậy, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Tổng hội đề nghị Thành phố cân nhắc sử dụng tên gọi để thuận lợi cho công việc và phù hợp với giai đoạn xây dựng công trình.
Theo Tổng hội, dự án cầu Trần Hưng Đạo là công trình tương lai sẽ trở thành một trong các điểm nhấn kiến trúc quan trọng, là biểu tượng cho tầm vóc Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô vì hòa bình, Thành phố sáng tạo của thời kỳ cách mạng 4.0.
Vì vậy, công trình giao thông trọng điểm này phải được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, "Giúp cho Hà Nội có được một công trình mang hơi thở thời đại, hiện đại, một kiệt tác kiến trúc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến”, văn bản của Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ.
T.Văn