mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê qua đời

 16:59 | Thứ bảy, 23/06/2018  0
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – một trong bốn cây đại thụ của nền sử học nước nhà vừa qua đời vào 13h06 phút ngày 23.6 tại Bệnh viên Bạch Mai (Hà Nội), trong niềm thương tiếc vô vàn của gia đình và giới sử học trong nước.

Liên hệ với GS-TSKH. Vũ Minh Giang – Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam qua điện thoại, ông Vũ Minh Giang xác nhận, GS. Phan Huy Lê đã mất vào 13h06 phút tại bệnh viện. Hiện ông Giang đang cùng với gia đình GS. Phan Huy Lê họp bàn việc tổ chức tang lễ.

GS. Phan Huy Lê vừa qua đời ở tuổi 84. Ảnh: Nguyễn Khánh/Báo Tuổi Trẻ

Liên hệ thêm với PGS-TS. Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), ông Cường xác nhận thông tin trên. Ông cho biết thêm, GS. Phan Huy Lê mất vì trọng bệnh (ông mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch), mặc dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa trong khoảng chục ngày qua nhưng do tuổi cao, sức yếu, bệnh trọng nên GS. Phan Huy Lê đã không qua khỏi.

PGS-TS. Trần Đức Cường ngậm ngùi chia sẻ, sự ra đi của GS. Phan Huy Lê để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới sử học cả nước.

GS-TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết đầu tháng sáu, dù tuổi cao nhưng GS. Phan Huy Lê vẫn tham gia đoàn thăm Trường Sa. Ông là người cao tuổi nhất trong đoàn.

Khi về Hà Nội, sức khỏe ông vẫn bình thường. Nhưng mấy ngày sau gia đình thấy ông bị mệt nên gấp rút đưa ông vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Ông Tung cho hay, khi đi Trường Sa về, GS. Phan Huy Lê rất vui. Lúc nằm trong bệnh viện GS. Phan Huy Lê vẫn muốn làm việc đến tận giây phút cuối cùng.

GS-TSKH. Vũ Minh Giang (trái) và giáo sư sử học Phan Huy Lê. Ảnh: TL

Theo Wikipedia, GS-NGND. Phan Huy Lê sinh ngày 23.2.1934 tại xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là hậu duệ cùng họ với Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh của ông là Phan Huy Tùng (đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu - năm 1913), Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn, anh cả là cựu thủ tướng của chế độ Việt Nam Cộng hòa Phan Huy Quát. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.

GS. Phan Huy Lê là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Khóa II (1990–1995), khóa III (1995–2000), khóa IV (2000–2005, khóa V (2005–2010) và khóa VI (2010-2015), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016.

Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994); Giải thưởng Nhà nước (năm 2000).

Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996).

Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.

Năm 2011, ông được Báo Thể thao Văn hóa trao tặng giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội".

Tháng 5.2011, ông được bầu làm thông tín viên ngoại quốc (Correspondant étranger[13]) của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp.

Năm 2014, ông được nhận Giải thưởng danh dự Pháp ngữ năm 2014 (Prix d’honneur de la Francophonie 2014) do nhóm các Đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) trao tặng. Năm 2016, ông được Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) trao bằng Tiến sĩ danh dự.

Năm 2016, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học cho công trình Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận.

Người Đô Thị

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.