Toàn cảnh buổi giới thiệu sách.
"Nếu liêm chính thì không bao giờ sợ phỏng vấn"
Đến khi tham gia vào quản lý đất đai, GS. Đặng Hùng Võ mới thực sự gắn bó với báo giới: “Theo quan sát của tôi, các nhà khoa học cần báo chí nhưng chỉ là mối quan hệ một chiều. Sau này khi là nhà quản lý đất đai, tôi nhận ra các nhà báo cần ý kiến của nhà quản lý về thực trạng vấn đề đất đai trên cả nước. Ngược lại, tôi cần báo chí hỗ trợ những thông tin cụ thể về địa danh, nơi chốn. Nếu các nhà hoạch định chính sách có kiến thức chuyên môn vững vàng thì các nhà báo sẽ không ngần ngại khai thác thông tin về vấn đề quản lý. Thực tế, có nhiều nhà chính sách ‘trốn’ báo chí vì e ngại bị “hỏi xoáy”. Nếu khí chất, tư cách ngay thẳng, liêm chính thì không bao giờ sợ phỏng vấn”.
Nhấn mạnh vai trò của báo chí, GS. Đặng Hùng Võ nhận định: “Vấn đề đất đai, nhà ở rất cần báo chí truyền tải tới nhân dân vì chúng gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống. Từ xưa tới nay, báo chí là dòng chảy thông tin cho mọi hoạt động xã hội, có nghiệp vụ riêng mà mạng xã hội không thể thay thế”.
GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ tại sự kiện.
Làm việc với GS. Đặng Hùng Võ trong khoảng thời gian từ năm 2000-2010, nhà báo Hữu Khôi (báo điện tử Vietnamnet) tâm sự: “Về mặt cơ bản, báo chí là kể những câu chuyện. Tuy nhiên, câu chuyện ấy có đem tới sự hứng thú cho người đọc hay không phụ thuộc vào chất liệu đời sống. Và GS. Đặng Hùng Võ là người thẳng thắn, không né tránh sự thật khi chia sẻ cho báo chí những quan điểm chân xác về lĩnh vực chuyên môn cũng như đời sống cá nhân”.
Vì lẽ đó, sự hợp tác giữa nhà quản lý đất đai và nhà báo càng trở nên hiệu quả: “Chủ động hợp tác với báo chí đem lại lợi ích lớn cho nhà chính sách khi họ lắng nghe từ phía chuyên gia cũng như phản hồi của xã hội”, nhà báo Lê Sơn (báo Pháp luật TP.HCM), chia sẻ.
Đối với nhà báo Lưu Hà (phụ trách chuyên mục Góc nhìn, báo điện tử VnExpress), GS. Đặng Hùng Võ để lại nhiều ấn tượng về một con người minh triết, bao dung và tôn trọng với bất kỳ câu hỏi được đưa ra, ngay cả khi kiến thức chuyên môn của người phỏng vấn còn hạn chế. Cô ví GS. Đặng Hùng Võ là “thần đèn” bởi mỗi khi muốn trực tiếp trao đổi, GS. Đặng Hùng Võ luôn sẵn lòng.
Cuốn sách Giáo sư Đặng Hùng Võ và những người bạn nhà báo bao gồm 27 bài viết về GS. Đặng Hùng Võ trong hơn 30 năm qua, gồm có hai phần: “Những người bạn nhà báo viết về GS. Đặng Hùng Võ” và “GS. Đặng Hùng Võ đối thoại với những người bạn nhà báo”. Qua đó, tác giả chia sẻ về hành trình nghiên cứu trắc địa bản đồ đến những kiến giải về chính sách đất đai, nhà ở; cho tới tình yêu với văn học nghệ thuật và thử sức với nghề dẫn chương trình.
Nhà báo Lưu Hà chia sẻ những ấn tượng khi làm việc với GS. Đặng Hùng Võ.
Hướng tới thị trường bất động sản bền vững
GS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm rằng chính sách, nghị định về Luật Đất đai cần có tầm nhìn, tính chất bền vững, cơ chế giám sát tham nhũng. Trong cuốn sách Giáo sư Đặng Hùng Võ và những câu chuyện nhà báo, ông còn đưa ra quan điểm về cải cách thuế bất động sản, trong đó có đánh thuế cao vào giới đầu cơ bất động sản cho đến cải cách luật pháp – thể chế.
Ông nhận định: “Việc cải cách bất động sản là cần thiết và cấp thiết, nhưng phải có lộ trình hợp lý. Cái gì làm trước được, hợp lý, khả thi thì làm, còn cái gì chưa đủ khả thi, hạ tầng quản lý không đủ năng lực thì cần nghiên cứu để tạo ra lộ trình phù hợp”.
GS. Đặng Hùng Võ và khách mới tại buổi giao lưu.
Dự báo những chính sách về đất đai thay đổi như thế nào là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng những nhà đầu tư cần có tầm nhìn xa trong khoảng 5-10 năm, từ đó đúc kết những dự báo bám sát thực tế dựa trên quan sát trong thời gian trên. Ngoài ra, có thể tập hợp một số nhà đầu tư dự báo từng giai đoạn: “Trong thời đại ngày nay, tính thực tiễn trong dự báo được đánh giá cao hơn lý luận”, ông nói.
Thông qua báo chí, những quan điểm, giải pháp cho nhiều chủ đề “nóng” trong xã hội được tác giả trình bày sáng rõ như: “Cần những giải pháp đột phá để cải cách thị trường bất động sản”, “Phát triển nhà ở xã hội: Tư duy quản lý cần gắn với cơ chế thị trường”, “Đừng để lợi ích tư nhân ảnh hưởng tới xử lý vi phạm”… cho tới đời sống ngày thường khi tác giả tự cho mình là “kẻ ít tài, nhiều tật”…
Cũng trong lễ ra mắt, GS. Đặng Hùng Võ đã chia sẻ những kỷ niệm và kinh nghiệm gắn liền với thời gian hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Đối với ông, thị trường bất động sản hiện nay tồn tại nhiều vấn đề, có thể ví von là như một bản giao hưởng không có nhạc trưởng. Ông nhận định, hiện nay thị trường bất động sản đang nằm tê liệt, bấp bênh, khó khăn hơn ngày xưa nhiều lần, đây cũng là khó khăn đối với các nhà kinh doanh bất động sản. GS. Đặng Hùng Võ cũng cho biết với nhiều cân nhắc, trong cuốn sách này ông chưa đi sâu về thị trường bất động sản mà câu chuyện này sẽ trở lại vào một dịp phù hợp.
![]() |
Bìa sách Giáo sư Đặng Hùng Võ và những người bạn nhà báo. |
Qua lễ ra mắt, GS. Đặng Hùng Võ đã đưa ra những trao đổi thẳng thắn và chia sẻ đầy tâm huyết đối với lĩnh vực chuyên môn của mình. Cuốn sách mới ra mắt của ông là một tư liệu quý giúp cho bạn đọc hiểu hơn về những nỗ lực của một chuyên gia nghiên cứu bất động sản trong việc góp thêm những cái nhìn sâu sắc, lẫn sự hỗ trợ hiệu quả của báo chí trong việc cất lên tiếng nói cần thiết tham gia vào xây dựng các chính sách.
GS. Đặng Hùng Võ sinh năm 1946 tại Gia Lâm, Hà Nội. Ông Tốt nghiệp ngành Toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1969, sau đó về giảng dạy chuyên ngành Trắc địa – Bản đồ tại Đại học Mỏ - Địa chất. Từ năm 1981-1988, ông học tập và nghiên cứu tại Ba Lan, là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất cho tới nay nhận Giải thưởng khoa học của Đại học Bách Khoa Vacsava năm 1985.
Sau khi về Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ tiếp tục gây tiếng vang với hàng loạt công trình khoa học mang giá trị thực tiễn cao, trong đó có “Xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ VN-2000” đạt Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ 2005. Ông có 17 năm làm cán bộ quản lý đất đai, đóng góp vai trò trong hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp của nước ta. Từ 2002-2007, ông là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đến nay, GS. Đặng Hùng Võ là chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Thế giới, Oxfam, UNDP và nhiều dự án quốc tế khác nhau.
Minh Trang