Diễn ra theo hình thức trực tiếp và online, hội thảo quy tụ hơn 500 doanh nghiệp, cá nhân làm việc trong hệ sinh thái logistics/CCU hải quan tại Việt Nam tham dự. Diễn giả tham gia, chia sẻ, tư vấn là đại diện cơ quan Hải quan, VISA, InterLOG cùng các Hiệp hội Ngành hàng và các doanh nghiệp/cá nhân làm việc trong hệ sinh thái logistics/CCU hải quan tại Việt Nam.
Trên thực tế, BCQTHQ đã rất quen thuộc với DNGC, DNXK và DNCX, nhất là từ sau khi Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20.4.2018 về việc “Báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu” có hiệu lực và việc kiểm tra của cơ quan hải quan ngày càng chặt chẽ hơn. Đặc biệt, theo khảo sát từ Ban Tổ chức, sau hội thảo “Quản lý rủi ro khi xây dựng định mức trong báo cáo quyết toán hải quan” (tháng 3.2022) thì có gần 40% doanh nghiệp quan tâm đến tiêu chí “quản lý số liệu xuất nhập tồn và phối hợp nội bộ” trong BCQT và đề xuất là chủ đề đào tạo tiếp theo cho chuỗi chương trình “Quản trị rủi ro trong Báo cáo Quyết toán Hải Quan”.
Quang cảnh buổi hội thảo. Hội thảo quy tụ hơn 500 doanh nghiệp, cá nhân làm việc trong hệ sinh thái logistics/CCU hải quan tại Việt Nam tham dự. Ảnh: A.Thư
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức khi điều phối hoạt động giữa các bộ phận có số liệu liên quan trực tiếp đến BCQT. Bên cạnh đó, việc chia sẻ thông tin, đối chiếu số liệu, kiểm kê số liệu xuất nhập tồn giữa chứng từ trên sổ sách với số liệu thực tế trên hệ thống theo dõi của doanh nghiệp và số liệu khai báo lên hệ thống hải quan VNACCS/VCIS chưa được đồng bộ.
Các bộ phận kho, kế toán thường không theo dõi chi tiết tách biệt nguyên vật liệu (NVL) theo nguồn (miễn thuế, chịu thuế, mua có hóa đơn VAT), dẫn đến việc sử dụng NVL nhập khẩu miễn thuế sai mục đích. Từ đây, gây ra lỗi sai lệch trong quá trình xây dựng và đối chiếu số liệu nhập-xuất-tồn thường gặp tại doanh nghiệp: Doanh nghiệp không phân loại được nguồn NVL, các bộ phận không chia sẻ thông tin để kiểm tra và tính định mức thực tế chính xác; sự sai lệch trong quá trình tổng hợp số liệu ở từng bộ phận (xuất nhập khẩu, kho, kế toán...) và giữa các bộ phận, giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan...
Với những lỗi sai trên, khi báo cáo quyết toán hải quan có chênh lệch và không giải trình được, doanh nghiệp sẽ bị ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính 10-20%/ tổng số tiền thuế bị ấn định, phạt chậm nộp thuế, đồng thời bị đánh giá rủi ro cao, tờ khai xuất nhập khẩu bị phân vào luồng đỏ làm tăng thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp.
Hội thảo quy tụ hơn 500 doanh nghiệp, cá nhân làm việc trong hệ sinh thái logistics/CCU hải quan tại Việt Nam tham dự. Ảnh: A.Thư
Dựa trên thực trạng này, đại diện cơ quan Hải quan, các chuyên gia cao cấp về báo cáo quyết toán đã đi sâu, tập trung vào việc hướng dẫn cho phòng/nhân sự xuất nhập khẩu - cấp chuyên trách thực thi báo cáo quyết toán hải quan các kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp quản trị rủi ro xuất nhập tồn trong BCQT, cụ thể là giải pháp quản lý số liệu và phối hợp nội bộ giúp doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng tiêu chí này. Qua đó, các chuyên gia hướng dẫn quy trình và cách thực hiện BCQT phù hợp đúng quy định, cập nhật các quy định pháp luật hiện hành; chia sẻ một số kinh nghiệm để xử lý các vấn đề và vướng mắc liên quan đến công tác xuất nhập tồn trong BCQT cùng doanh nghiệp nâng cao kiến thức quản trị BCQT.
Đánh giá tầm quan trọng của công tác xuất nhập tồn trong BCQT, ông Cao Văn Nhân, Trưởng Phòng giám sát quản lý Cục Hải quan Đà Nẵng, cho biết: “Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các thông tin liên quan đến quy định của pháp luật về công tác nhập-xuất-tồn của BCQT, chủ động áp dụng vào thực tiễn và hạn chế tối đa những rủi ro trong quá trình hoạt động nhằm đảm bảo uy tín cũng như tài chính.”
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: A.Thư
Ông Phan Hải Triều, chuyên gia tư vấn thủ tục hải quan của InterLOG, khuyến nghị: “Quản lý số liệu xuất nhập tồn và phối hợp nội bộ, chia sẻ thông tin, chia sẻ số liệu có liên quan đến BCQT giữa các phòng ban là một trong những tiêu chí quan trọng trong BCQT nhưng lỗi chênh lệch số liệu NVL-thành phẩm-sản phẩm dở dang-phế liệu-phế phẩm của từng bộ phận; giữa các bộ phận và giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan lại rất phổ biến. Vì tầm quan trọng của việc quản lý số liệu xuất nhập tồn trong BCQT, InterLOG đã phối hợp với liên minh VISA tổ chức buổi hội thảo này với mục tiêu nâng cao nhận thức và chia sẻ những giải pháp quản trị các rủi ro xuất nhập tồn trong BCQT được hiệu quả.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ giảm thiểu những lỗi chênh lệch đến mức thâp nhất, tránh được những chi phí rủi ro không đáng có. Vì vậy nâng cao kiến thức, công tác quản trị cũng như khả năng xử lý và quản trị rủi ro nhập - xuất - tồn trong BCQT cho các doanh nghiệp là rất cần thiết”.
Hội thảo “Quản trị rủi ro xuất nhập tồn trong báo cáo quyết toán hải quan - giải pháp quản lý số liệu và phối hợp nội bộ” thuộc chuỗi sự kiện Báo cáo quyết toán hải quan 2022, là hoạt động tiếp nối thành công từ hai sự kiện "Báo cáo quyết toán Hải quan dành cho lãnh đạo doanh nghiệp" (12.2021) và “Quản lý rủi ro khi xây dựng định mức trong báo cáo quyết toán hải quan” (3.2022) được InterLOG, Visa và các đối tác tổ chức. Hai sự kiện này cũng đã thu hút sự tham gia của gần 1.000 doanh nghiệp/cá nhân, là cấp lãnh đạo, quản lý các công ty và có hoạt động liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu và các lĩnh vực liên quan.
Là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ logistics và tư vấn giải pháp chuỗi cung ứng toàn diện với hơn 17 năm kinh nghiệm, InterLOG tập trung vào phân khúc các doanh nghiệp FDI, nhà máy xuất nhập khẩu trong và ngoài nước. Việc xây dựng giải pháp kết hợp với liên minh VISA trong chuỗi các hoạt động cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp đang khẳng định trách nhiệm xã hội của công ty InterLOG đối với cộng đồng ngành nghề, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực quản trị BCQT cho doanh nghiệp.
T.My