mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Giá trị vỉa hè rất “khủng”: Nhà nước không thu thì ai thu?

 22:54 | Thứ sáu, 24/03/2017  0
"Như chúng ta đã biết, giá trị đất mặt phố từ hàng chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí có nơi lên tới hàng tỷ đồng/m2. Với giá trị khủng như vậy, khi cơ quan quản lý buông lỏng, sẽ có ai đó sẵn sàng lấn chiếm, và có lực lượng bảo kê".

Hàng rong, xe máy để tràn lan trên vỉa hè Mạc Thị Bưởi (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Zing

Đó là quan điểm của TS. Lương Hoài Nam tại tọa đàm “Vỉa hè - chống ùn tắc và trách nhiệm công dân” diễn ra ngày 24.3.

Chuyên gia Lương Hoài Nam cho biết ông là một người ủng hộ quản lý trật tự giao thông đô thị. Bản chất lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Nam, vấn đề đặt ra tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà vẫn khó khăn trong thực hiện như thế?

Ông Nam lý giải: Nguyên nhân cơ bản là do đây là hành vi chiếm dụng của công thành của tư. Như cha ông ta thường nói: “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Về pháp luật, “thổ công” ở đây chính là toàn dân vì đó là đất công. Tuy nhiên, thực tế khi vỉa hè bị lấn chiếm, vai trò “thổ công” bị đánh tráo, toàn dân không phải thổ công nữa mà là “ông khác”.

Theo ông Nam, ngay cả Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Bí thư TP.HCM cũng đã lên tiếng về thực trạng có lực lượng bảo kê cho hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

"Cuộc chiến lập lại trật tự, kỷ cương đang diễn ra vô cùng khó khăn. Lý do chính bởi lợi ích từ việc lấn chiếm này rất lớn", ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, giá trị đất mặt phố từ hàng chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí có nơi lên tới hàng tỷ đồng/m2. Với giá trị khủng như vậy, khi cơ quan quản lý buông lỏng chắc chắn sẽ có ai đó thực hiện lấn chiếm và có lực lượng bảo kê.

Theo vị chuyên gia này, khi ông hỏi mọi người câu "vỉa hè để làm gì?" thì từ người quản lý tới người dân đều nói: Vỉa hè là phần dành cho người đi bộ.

Ông Nam cho rằng điều này là không hoàn toàn đúng bởi ngoài đi bộ, vỉa hè còn có nhiều công năng khác.

"Ở nhiều nơi trên thế giới như Anh, Mỹ... trên vỉa hè đều có hoạt động thương mại dịch vụ, mô hình nhà hàng cà phê, sạp báo, quầy bán rau quả… Những công năng này nên được pháp luật quy định", ông Nam nói.

Theo ông Nam, vỉa hè bị lấn chiếm liên quan tới hai vấn đề. Thứ nhất, nền kinh tế vỉa hè bao gồm kinh tế mặt tiền và kinh tế hàng rong. Thứ hai là kết cấu giao thông vận tải.

"Nếu chúng ta chỉ chăm chăm làm sạch vỉa hè, không thay đổi kết cấu giao thông, giảm tỷ lệ phương tiện cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng thì không giải quyết được gốc rễ vấn đề", ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng để hạn chế lấn chiếm vỉa hè, các thành phố nên cho người dân thuê lại một phần vỉa hè để để xe. Theo đó, các chủ nhà sinh sống ở mặt đường nếu có nhu cầu, chính quyền địa phương có thể cho phép họ thuê 2m bề rộng trên vỉa hè để xe máy.

“Khi nhà nước đã ký hợp đồng cho thuê vỉa hè, có diện tích kẻ ô trắng, không một ai dám đến thu phí nữa. Khi ‘bảo kê’, người dân chìa hợp đồng ra và có thể báo công an”, ông Nam nói.

N.Mạnh 

 

Nguồn BizLive.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.