Ba tòa nhà làm xấu đầu tiên
Chỉ vài cú nhấp chuột trên Google với từ khóa “hồ Gươm” hay “quy hoạch hồ Gươm”, bạn có thể thấy hàng trăm bài viết còn lưu trên mạng từ hơn mười năm trước về những công trình xây dựng đe dọa hồ Gươm và thực sự đã làm xấu hồ. Có thể bắt đầu từ câu chuyện tòa nhà “hàm cá mập” - cái tên dân gian rất “đắt” để gọi tòa nhà bây giờ mang tên City View ở số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng, đối diện bến xe buýt Bờ Hồ. Tòa nhà này nằm ở vị trí đắc địa, nguyên là nhà làm việc của công ty xe điện và một phần cửa hàng bách hóa quốc doanh. Nó được đập bỏ để xây lại vào năm 1996 làm cao ốc văn phòng và nhà hàng. Khi xây xong, người dân rất bất ngờ về chiều cao vượt phép và nhất là hình dáng “hàm cá mập” nhiều tầng. Ngày ấy, mặc dù những khái niệm về quy hoạch hay di sản chưa phổ biến, cuộc sống thời mới mở cửa còn nhiều đòi hỏi cấp bách nhưng người dân Hà Nội và báo chí đã lên tiếng “dị ứng” với tòa nhà này. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã yêu cầu chính quyền Hà Nội xử phạt và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đến nay tòa nhà vẫn còn đấy, hình dáng hài hước và ngang ngược, nó chỉ có một thay đổi lớn là trở thành một tụ điểm nhà hàng và quán bia, quán cà phê rất đắt giá. Song, đấy chưa phải là lần đầu tiên, cảnh quan chung quanh hồ Gươm bị “gặm nhấm”, để lại một hình ảnh hụt hẫng bất thường.
Hồ Gươm và tháp Rùa mùa đông. Chiếc hồ cổ kính và thơ mộng này sẽ trở thành ao làng khi chung quanh nó chỉ toàn là cao ốc
Trước đó, trong thời kỳ bao cấp những năm 1973-1984, tòa nhà Bưu điện Hà Nội và trụ sở UBND thành phố Hà Nội, hai kiến trúc hiện đại cách nhau một vườn hoa (nay là vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ) khi mọc lên, người dân và giới chuyên môn đã thấy đau lòng. Cả hai đều nằm ở vị trí đối diện phần bờ hồ gần với tháp Rùa nên từ xưa người Pháp chỉ cho xây dựng kiến trúc nhà thấp tầng. Thế nhưng, khi nhà Bưu điện mới do Trung Quốc “viện trợ” được xây lên thì mọi người nhận ra một lô cốt khổng lồ thô kệch đã rơi xuống hồ Gươm xinh xắn. Kế đến, “tòa lâu đài’’ trụ sở UBND thành phố Hà Nội được hoàn thành theo kiểu thiết kế thường thấy ở các công sở Liên Xô. Cả tòa nhà đem lại cảm giác nặng nề, thậm chí có một ví von dân gian khá cay độc nhưng không sai lệch: “nhìn xa trông như máy chém!” Cả hai tòa nhà công vụ này xấu xí đến mức được gọi thẳng tên và đưa vào danh sách “xem xét lại các công trình kiến trúc mới xây dựng, có ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, bố cục không gian”, trong Quyết định 448 BXD/KTQH do Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc, ký ngày 3.8.1996 về phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận. Trong bảng “danh sách đen” này còn có tòa nhà “hàm cá mập” kể trên. Sắp tròn 20 năm, từ lúc được nhà nước chính thức kể tên, ba tòa nhà làm xấu hồ Gươm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Ngăn chặn những dự án kỳ dị khác
Năm 2007, “sĩ phu” và công luận Hà Nội đã ngăn chặn được việc triển khai dự án xây dựng “Trung tâm thương mại - tài chính” của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại số 69 Đinh Tiên Hoàng (giáp ba mặt đường). Đây là khu đất hơn 14.000m2, nguyên là nhà máy điện Bờ hồ thời Pháp, chuyển thành trụ sở làm việc của nhiều đơn vị điện lực. Việc chuyển đổi công năng từ khu vực làm việc hành chính sang tài chính - thương mại là chuyện có thể được nếu cần thiết và đem lại lợi ích cho xã hội. Song chính ý tưởng xây dựng tại đây một tòa nhà đồ sộ cao hơn 50m, tiến sát bờ hồ, đã làm nhiều hội đoàn chuyên môn từ giới kiến trúc sư đến các nhà sử học và văn hóa phản đối mạnh mẽ. Nếu tòa nhà này được cấp phép thì đó là phát súng đại bác mở đột phá khẩu cho việc chấp nhận những nhà cao tầng khổng lồ đổ bộ vào không gian hồ Gươm. Suốt mấy tháng, một cuộc tranh luận lý thú và sòng phẳng đã diễn ra bằng công văn, hội thảo, bài viết trên mặt báo giữa Bộ Xây dựng, EVN và nhiều chuyên gia từ các hội đoàn. Cuối cùng, EVN rút bỏ ý định xây dựng trung tâm thương mại tài chính cao tầng tại đây! Những ai viết sử EVN (và các tập đoàn quốc doanh) xin ghi nhận sự kiện 2007 ấy, một sự kiện cảnh báo gay gắt từ rất sớm: việc sử dụng tiền bạc và tài sản đồ sộ của các tập đoàn quốc doanh phải được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của xã hội!
Tòa nhà “Hàm cá mập” ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phía xa là một tòa nhà ngân hàng cao lêu nghêu phá vỡ cảnh quan hài hòa của hồ Gươm (ảnh chụp 2015)
Trước đó, một dự án xây nhà cao tầng đe dọa cảnh quan hồ Gươm cũng đã được “sĩ phu” và công luận Hà Nội ngăn chận kịp thời. Câu chuyện diễn ra cách đây 20 năm, khi tiến sĩ Hà Đình Đức, một chuyên gia sinh học tiên phong trong việc bảo vệ rùa và cảnh quan hồ Gươm, phát hiện một dự án xây dựng gần bờ hồ có dấu hiệu không rõ ràng. Đó là khách sạn mang tên Hà Nội Vàng, dự định xây nhà cao tầng hơn 10 tầng, ở số 8 Lê Thái Tổ (đối diện nhà hàng Thủy Tạ), lấn át cảnh quan hồ Gươm. Tiến sĩ Đức đã báo động việc này với các hội đoàn, trong đó Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã nhanh chóng “vào cuộc”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng trực tiếp tìm hiểu và cho ý kiến, góp phần tìm ra giải pháp khắc phục. Sau nhiều cuộc hội thảo, kiến nghị kiên trì đến năm 2001, UBND Hà Nội và chủ đầu tư đã đồng ý điều chỉnh, giảm số tầng cao của tòa nhà. Tòa nhà này hiện là cao ốc văn phòng của Bảo Việt và VP Bank, tuy không có nét kiến trúc gì đặc sắc nhưng giữ được vẻ hài hòa cho hồ Gươm và các kiến trúc thấp tầng xung quanh.
Nếu cần kể thêm những cuộc đấu tranh để giữ vẻ đẹp hồ Gươm gần đây, chúng ta có thể biết đến việc dư luận Hà Nội không nhất trí việc thiết kế các cửa ga xe điện ngầm đổ thẳng ra bờ hồ. Hoặc việc yêu cầu công khai thông tin, hỏi ý người dân về việc xây dựng tòa nhà Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm ở một khu đất trống gần nhà hàng Thủy Tạ. Tại Hà Nội, không những đã có những cuộc triển lãm, hội thảo, hội nghị mà còn có cả cuộc thi thiết kế quy hoạch bảo vệ di sản hồ Gươm, di sản phố cổ. Cho đến nay, tại Hà Nội vẫn đang có những cuộc góp ý, tranh luận trên nhiều diễn đàn, đặc biệt trên mạng về việc giữ gìn và tôn tạo những di sản hay đẹp của thủ đô ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, không phải người Hà Nội và không chỉ Hà Nội, đã có thể hài lòng về những điều đã đạt được. Tại Hà Nội và Sài Gòn, cũng như nhiều đô thị khác, đang và sẽ có rất nhiều những cao ốc xấu xí, những công trình kiến trúc thô kệch, những tòa nhà xâm phạm cảnh quan, những cao ốc không phép nhưng bằng những “đường ngang, ngõ tắt” ngang nhiên mọc lên, như “sự đã rồi”.
Không có chính sách minh bạch, không có giám sát chặt chẽ của xã hội và không có sự dũng cảm của trí thức và báo chí thì việc giữ gìn di sản, cũng như các vấn đề dân sinh khác, vẫn sẽ là “chuyện dài nhiều tập”. Đừng để dĩ vãng mãi mãi xấu xí vì những sai phạm, sai lầm mà xã hội một lúc nào đó đã “sơ sểnh” hoặc “chào thua” tạm thời.
Di sản quốc gia đặc biệt
- Hồ rộng khoảng 15ha, nguyên là một nhánh sông Hồng đổ vào. Còn có tên là hồ Lục Thủy, tên gọi hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm bắt nguồn từ sự tích vua Lê Lợi trả gươm báu cho thần Rùa (thế kỷ XV).
- Được người Pháp thiết kế là khoảng xanh nối kết khu phố cổ của Việt Nam với khu phố Tây hiện đại. Chung quanh hồ đều là nhà xây thấp tầng ngang với tầm cây xanh ven hồ.
- Những công trình kiến trúc và văn hóa-lịch sử tiêu biểu tại khu vực Hồ và bờ Hồ: đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, tháp Rùa, đền Vua Lê, Bách hóa Tràng Tiền, bót Hàng Trống, tòa báo Hà Nội Mới, tòa nhà Khai trí Tiến Đức...
- Từ năm 1996, Bộ Xây dựng đã có quy hoạch chi tiết hồ Gươm và khu vực phụ cận nhằm bảo vệ cảnh quan và không gian.
- Năm 2013, hồ Gươm và đền Ngọc Sơn được Chính phủ xếp hạng di sản quốc gia đặc biệt.
Bài và ảnh: Phúc Tiến