mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Dựa vào kiến thức, sáng tạo bản địa để trữ nước cho ĐBSCL

 22:49 | Chủ nhật, 28/01/2018  0
Sinh kế dựa vào nước lũ được xem là một giải pháp chủ đạo cho tham vọng “khôi phục” lại vùng trữ nước tự nhiên của ĐBSCL. Một bài toán khó, khi đất đai của người nông dân (là đối tượng dễ bị tổn thương nhất) được xác định là vùng trữ nước; lẫn đang thiếu vắng hẳn vai trò kiến tạo của Nhà nước trong nông nghiệp và thể chế tốt.

Mất diện tích trữ nước tự nhiên, đồng bằng lâm nguy

Thượng nguồn ĐBSCL có hai vùng “trữ lũ”, hay nói đúng hơn là “trữ nước” tự nhiên: là Đồng Tháp Mười (ở phía đông sông Tiền, gồm một phần tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang) và vùng Tứ giác Long Xuyên (nằm ở phá tây sông Hậu, gồm một phần tỉnh An Giang, Kiên Giang). Tổng diện tích hai vùng trữ nước này là 1,3 triệu ha.

Tuy nhiên sau năm 1975, và nhất là trong 15 năm trở lại đây, nhiều khu vực đê bao đã được xây dựng tại hai vùng đồng ngập nước này, nhằm giải quyết nạn đói do thiếu hụt lương thực trên toàn quốc, và nhằm tăng cường lúa vụ hai và vụ ba trong năm.

Từ năm 2000 – 2011, trữ lượng nước tổng cộng ở vùng thượng nguồn đồng bằng này đã giảm đi phân nửa, từ hơn 9.200 tỉ m3 còn gần 4.700 tỉ m3.

Ở Đồng Tháp, tổng diện tích ngập nước đã giảm đi 45.000 ha, do việc xây dựng các đê bao để làm lúa vụ ba.

Ở Tứ giác Long Xuyên, 42% diện tích đất ngập nước đã bị mất, tương đương 110.000 ha.

Là "rốn lũ" của vùng trữ nước tự nhiên Đồng Tháp Mười, mô hình sen - lúa - cá đang được người dân thực hiện tại đây được hy vọng sẽ góp phần phục hồi khả năng hấp thu nước cho đồng bằng. Ảnh chụp tại ruộng nhà ông Trần Văn Kịch, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp. Ảnh: Lê Quỳnh

Theo nghiên cứu của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) và nhiều tổ chức quốc tế khác, việc giảm trữ lượng nước này làm gia tăng ngập lũ ở vùng thấp hơn, mất phù sa và suy giảm độ màu của đất (được bù đắp bằng việc sử dụng phân bón hóa học trên diện rộng); tầng nước nông không được bổ sung, gia tăng tích tụ chất ô nhiễm hữu cơ, và giảm nguồn thủy sản.  

Mô hình của ICEM cho thấy, thành phố hạ nguồn Cần Thơ bị thiệt hại khoảng 3 – 11 triệu USD do lụt lội, có nguyên do từ việc xây dựng các đê cao.

Từ năm 2000 – 2011, ước tính giá trị nguồn thủy sản bị mất do việc xây dựng các đê cao lên đến 1.000 USD/ha (Dan, 2015).

Báo cáo của UNDP năm 2016 cũng cho thấy, xâm nhập mặn năm 2015 -2016 do El Nino cực đoan đã làm mất sản lượng lúa 100% tại một số tỉnh ven biển. Hiện tượng này càng nghiêm trọng hơn do việc suy giảm trữ lượng nước tại vùng thượng nguồn đồng bằng. Việc mất đi các vùng hấp thu nước đã làm giảm lượng nước ngọt từ sông Mekong chảy vào mùa khô giúp trung hòa và giảm tác động của xâm nhập mặn…

ĐBSCL hiện nay đã bị ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH. Khu vực này còn dễ bị tổn thương khi chịu tác động kết hợp của lũ lụt, hạn hán cực đoan…

Sinh kế dựa vào nước lũ = kiến thức, sáng tạo bản địa

Trong hiện trạng trên, một đề xuất được xem là chủ đạo cho tham vọng “khôi phục” lại vùng trữ nước tự nhiên của ĐBSCL: thay thế sản xuất lúa vụ ba bằng hệ thống canh tác dựa vào mùa nước, để tận dụng những lợi ích của nước lũ.

Theo đó, với vùng thượng nguồn đồng bằng, bỏ chính sách “sản xuất lúa gạo bằng mọi giá” và phục hồi khả năng hấp thu nước thông qua “ngập nước có kiểm soát”. Đây là kết quả một nghiên cứu Kế hoạch ĐBSCL phối hợp giữa Việt Nam – Hà Lan, đã được Chính phủ Việt Nam thông qua, vào năm 2013 – 2014.

“Mô hình sinh kế dựa vào nước lũ chỉ giải quyết một khía cạnh của các thách thức trong ý tưởng trữ nước ĐBSCL, nhưng lại là một trong những thành tố quan trọng nhất. Bởi nó liên quan trực tiếp đến các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đó là những người nông dân, mà đất của họ được xác định là vùng trữ nước.”, ông Andrew Wyatt, Giám đốc phụ trách khu vực ĐBSCL của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nói tại buổi khởi động dự án thí điểm mô hình này, vào ngày 26.1.2018, tại Đồng Tháp.

Thực tế cho thấy, các khu vực trữ nước đều nằm trên đất sản xuất nông nghiệp do nông dân sở hữu, chứ không thuộc đất công cộng. Các khu đất ngập nước được bảo tồn ở ĐBSCL chỉ chiếm dưới 5% tổng diện tích toàn vùng.    

Chiến lược dự án thí điểm mô hình sinh kế dựa vào nước lũ nhằm đạt mục tiêu lâu dài là bảo tồn và phục hồi chức năng hấp thu lũ của ĐBSCL. Những hệ thống canh tác đem lại lợi nhuận và bền vững là các giải pháp kỹ thuật mấu chốt, sẽ mở ra nhiều khả năng cho các mô hình canh tác có tính chất trữ nước trên đất sản xuất của nông dân. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không có nhiều kinh nghiệm với các loại hình sinh kế dựa vào mùa lũ.

Đa phần các loại hình sinh kế, được IUCN ghi nhận, đều là sáng kiến của nông dân với quy mô nhỏ, chưa nhận được hỗ trợ chính thức của Nhà nước.  

Cho biết các mô hình sinh kế dựa vào nước lũ hiện nay của người dân chính là sự kết hợp kinh nghiệm bản địa của người dân, TS Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ nói: cái ông lo nhất hiện nay là sự mai một dần các kiến thức, sáng tạo bản địa. Vì vậy, cần cố gắng kê biên được kinh nghiệm ông bà sống được trong môi trường khắc nghiệt, ít nước sống sao, nhiều nước sống kiểu nào. Hiểu lại sâu sắc kinh nghiệm, kiến thức bản địa, cộng kiến thức, khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng tầm kinh nghiệm đó lên. Đó là cách tốt nhất để thích nghi với những rủi ro hiện tại và trong tương lai.      

Ông Trần Văn Kịch, tại vùng “rốn lũ” ấp 1 xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã có 8 năm nay một năm trồng xen canh lúa - sen. Hai vụ sen, 1 vụ lúa, thay vì 3 vụ lúa như nhiều nông dân ruộng kế bên. Hai năm nay lúa trúng, ông Kịch chuyển sang 2 vụ lúa - 1 vụ sen. Cá được ông Kịch thả nuôi cùng sen, và lúa.

“Tiền bán cá đủ bù cho mua phân thuốc mỗi mùa vụ”, ông Kịch cho biết.

Theo các nhà khoa học ĐH Cần Thơ, đơn vị đã hỗ trợ kỹ thuật cho gia đình ông Kịch, sen là cây vượt lũ nên nếu gặp lũ thì sen sống tốt trong môi trường ngập lũ. Cũng vì thế mà vùng trồng sen còn là nơi trữ lũ để cấp nước cho vùng trồng lúa và hoa màu ở bên cạnh trong trường hợp khô hạn, mặn bất ngờ. 

Không chỉ vậy, theo ông Kịch, từ ngày trồng sen, “làm như nước trong hơn và đất tốt hơn” cho vụ lúa sau đó. Ông Kịch cũng đã giảm được ½ lượng thuốc bảo vệ thực vật cho lúa so với các ruộng lúa trồng 3 vụ khác, nhưng năng suất không hề kém. Và vì nuôi cá nên ông cũng gần như chỉ sử dụng thuốc phân sinh học cho trồng sen,… 

Báo cáo của Đồng Tháp cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có các mô hình sinh kế dựa vào nước lũ nhỏ lẻ khác như: 2 vụ lúa – 1 vụ tôm; 2 lúa – cá tự nhiên; 2 lúa – cá tự nhiên, cây thủy sinh; lúa – hoa màu – cá tự nhiên; 2 lúa + vịt – cá; sen – cá – du lịch;…

Tại Long an, hiện nay cũng đang có nhiều mô hình sinh kế mùa lũ khác như trồng nấm trong nhà, nuôi thủy sản, trồng sen lấy ngó,… An Giang thì có mô hình tôm càng xanh – lúa; lúa nổi – hoa màu – thủy sản; 1 lúa – 1 sen; lúa nổi – nuôi cá – hoa màu;…

Báo cáo cho thấy, các mô hình này đều cho lợi nhuận cao hơn so với lúa ba vụ. Tuy nhiên, nó lại có những rủi ro và hạn chế như thiết kế đê bao không phù hợp, nông dân còn thiếu kiến thức, con giống kém chất lượng, thị trường nhỏ và giá cả biến động nhiều,…  

Ở Đồng Tháp, mô hình lúa - sen - cá được nông dân thực hiện khá phổ biến những năm trước đây, do cho thu nhập và lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Nhưng do giá sen không ổn định nên trong những năm gần đây, diện tích mô hình này đã giảm.

“Giá 1 kg gương sen cao nhất là 70 ngàn đồng, thấp nhất là 4 ngàn đồng. Có khi chúng tôi bị ép giá, giá lên xuống ngay trong ngày vì sen không để lâu được”, ông Kịch cho hay.  

“Nếu có đầu ra tốt, mô hình này có khả năng phát triển, tận dụng lợi thế mùa lũ rất tốt, đồng thời giúp giảm sâu bệnh cho lúa và sen, sản xuất bền vững hơn”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Tháp nhận định.

Một mô hình khác, 2 lúa + vịt – cá đang được thực hiện rất tốt bởi nông dân Võ Văn Tiếng, tại Hồng Ngự, Đồng Tháp, với mục tiêu sản xuất lúa hữu cơ, giá bán gạo cao gấp 3 lần so với sản phẩm bình thường. Tuy nhiên, nông dân này làm vì xây dựng được thương hiệu. Có thể nói, đây được xem là mô hình phù hợp với nhu cầu thị trường và bền vững, tuy nhiên, tìm đầu ra cho thị trường vẫn còn là một nan giải…

Mô hình sinh kế sen - cá - du lịch đang được thực hiện nhiều ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp; cho hiệu quả kinh tế cao, chủ yếu từ nguồn du lịch. Tuy nhiên, rất cần thêm kiến thức, kỹ năng, chi phí đầu tư, ẩm thực,... để hấp dẫn, thu hút thêm khách du lịch. Ảnh: Lê Quỳnh 

Bài toán thị trường và vai trò của Nhà nước

Trao đổi, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An cho biết: tỉnh đã nghiên cứu nhiều mô hình sinh kế nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất. Giá cả sản phẩm biến động, đặc biệt khi diện tích trồng mô hình được mở rộng, giá sản phẩm giảm rất nhanh, chưa kể những tác động khách quan.

Đồng thời, nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu của các tỉnh, không chỉ Long An, nhưng đến nay vẫn gặp khó. “Không gian mùa lũ hạn hẹp mà có công nghệ cao thì rất tốt. Chúng tôi từng muốn đầu tư một nhà sấy khô vì mùa lũ cá rất nhiều nhưng giá lại quá cao, hơn 6000 USD, không kham nổi. Hoặc chúng tôi đang muốn tìm những giải pháp nào mà cá mùa lũ đạt được trọng lượng và chất lượng tối đa, nhưng rất khó”, ông Thiện đặt vấn đề.

Trong khi đó, cho rằng câu chuyện thị trường không thể dùng mô hình sinh kế điều tiết được, ông Đặng Kim Khôi, viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh, thậm chí từng địa phương cũng khó mà giải quyết được.

Theo ông Khôi, hiện nay Chính phủ và Bộ NN&PTNT đưa ra 3 sản phẩm chính, một là nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, hai là nhóm sản phẩm địa phương, ba là nhóm sản phẩm đặc sản vùng miền. Đối với từng nhóm sản phẩm này cần có những chiến lược khác nhau.

Có thể thí điểm chọn sản phẩm chủ lực, chuỗi chủ lực, đánh giá đâu là khoảng trống, chỗ nào cần Nhà nước bù đắp vào, chỗ nào cần tư nhân bù vào,… Và tìm cách lồng ghép vào các chương trình lớn, trung hạn của chúng ta hiện nay.

“Hiện nay, người dân đang tối ưu hóa rất tốt tất cả những gì họ có thể làm. Tuy nhiên, không thể trông chờ hoàn toàn vào vai trò của người dân, doanh nghiệp. Kinh nghiệm các nước, vai trò Nhà nước kiến tạo đóng vai trò then chốt, cùng đó là nâng cao khả năng liên kết, thúc đẩy vai trò của các nhóm, hiệp hội. Chúng ta có hàng triệu nông dân nhưng đang theo hướng nhỏ lẻ, không ai bảo được ai.”, ông Khôi nói.

Dự án thí điểm mô hình sinh kế dựa vào nước lũ sẽ tập huấn và hỗ trợ các hộ nông dân tại Đồng Tháp, Long An và An Giang để triển khai mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ với chi phí thấp và hiệu quả về kinh tế, nhằm thay thế cho canh tác lúa vụ ba.

 Dự án có tổng kinh phí 550.000 USD, và được thực hiện trong 3 năm; và có tham vọng mở rộng quy mô thí điểm.

Tuy nhiên, theo IUCN, ở thời điểm hiện tại, rất khó tính toán chính xác diện tích trữ lũ được phục hồi xét về tốc độ hấp thu, thị trường, sự phù hợp của đất, kế hoạch và chính sách trong tương lai của Nhà nước. Việc tính toán này cần có nghiên cứu không gian chi tiết và mô hình quản trị nước. Những hoạt động này vượt quá phạm vi và ngân sách dự án.

 Lê Quỳnh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.