mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Dự án lấy đất rừng, thủ phạm phá hoại môi sinh

 14:17 | Chủ nhật, 05/11/2017  0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không phải là người đầu tiên nói đến việc đóng cửa rừng tự nhiên. Đã có ba đời thủ tướng trước đó nói tới việc đóng cửa rừng tự nhiên. Tuy nhiên thực tế cho tới nay, việc đóng cửa rừng tự nhiên vẫn chưa thực hiện được, rừng tiếp tục bị mất.

Mất rừng từ chủ trương chuyển đổi đất rừng

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, hơn năm năm qua, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng cho các dự án được duyệt chiếm tới 89% tổng diện tích rừng giảm (11% còn lại do hành vi phá rừng trái phép).

Cụ thể, báo cáo của 58 tỉnh thành trong cả nước giai đoạn 2012-2017 cho thấy, các cơ quan Nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng 38.276ha/1.892 dự án để trồng cao su, sắn, làm thủy điện, sân gofl, dự án du lịch...; trong đó: rừng tự nhiên chiếm 18.931ha, rừng trồng 15.821ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 3.524ha.

Còn tổng số dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt, đang thực hiện và dự án có trong kế hoạch trung hạn đến năm 2020, thống kê đến cuối tháng 9.2017, là 1.071 dự án với tổng diện tích 60.129ha. Trong đó, rừng đặc dụng, phòng hộ đều nằm trong danh sách chuyển đổi, và rừng tự nhiên bị chuyển đổi chiếm tới 16.866ha. Rà soát cũng cho thấy, trong hơn 60.000ha diện tích đất rừng chuyển đổi này, nhóm dự án quốc phòng, an ninh chiếm khoảng 7.000ha, còn lại là nhóm dự án công trình công cộng, an sinh xã hội; dự án phát triển nông lâm nghiệp; khai thác khoáng sản; đầu tư công nghiệp, du lịch, thương mại, thủy điện.

Trao đổi với Người Đô Thị, TS. Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra quy hoạch rừng cho biết, thực tế khi chuyển đổi đất rừng, điều ông lo ngại nhất là chuyển đổi không đúng đối tượng quy định. Như trao địa phương thẩm quyền chuyển đổi rừng và đất rừng sang mục đích khác, phá rừng tự nhiên để trồng cao su, kể cả rừng giàu có diện tích dưới 3ha. Hay quy định khi chuyển đổi 50ha rừng đặc dụng, phòng hộ, đất xung yếu thì phải được Quốc hội thông qua. Nhưng khi thực hiện, họ không làm vậy mà cắt nhỏ dự án, dưới diện tích quy định để lách luật. 

Khu vực Hố Sâu, rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn nhất hiện nay của Sơn Trà, theo quy hoạch cũng sẽ được chuyển đổi giao đất cho dự án du lịch nghỉ dưỡng

TS. Dựng nhận định, thực tế ở các địa phương, năng lực quản lý rừng và đất rừng của UBND tỉnh cũng rất hạn chế, dù có Sở NNPTNT và kiểm lâm giúp việc. Việc thẩm định, khả năng đánh giá, nhận biết về giá trị đa dạng sinh học, giá trị rừng, chưa đầy đủ, nên khi chuyển đổi đất rừng, các yếu tố đa dạng sinh học, môi trường ít được quan tâm. Ví dụ khi chuyển đất rừng sang 100ha đất du lịch, địa phương chỉ nghĩ đơn giản đó chỉ là vấn đề độ che phủ của cây cối, chứ chưa nghĩ đến những giá trị khác chưa đo đếm được yếu tố đa dạng sinh học, môi trường, lưu trữ carbon… Trong một nhiệm kỳ, cán bộ địa phương khi muốn tạo ra đột phá, họ nhìn theo hướng đột phá về kinh tế, không ai nghĩ đến mặt bảo tồn.

Báo cáo mới đây của Bộ NNPTNT cũng thừa nhận, việc chuyển đổi đất rừng thời gian qua thiếu chặt chẽ, quản lý lỏng lẻo, để xảy ra sai phạm. Đặc biệt là những sai phạm tại các dự án phát triển kinh tế, xã hội trồng cao su những năm trước vẫn tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm.

Nguy cơ hết rừng

Kết luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ mới đây về tăng cường quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm đóng cửa rừng, không khai khác gỗ rừng tự nhiên. Đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Cụ thể là dừng việc chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên, rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, dự án du lịch. Không cải tạo rừng nghèo, rừng nghèo kiệt khi chưa khảo nghiệm khoa học. Không chuyển đổi mục đích sử dụng loại rừng ven biển, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Nhưng, GS-TSKH. Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, lại cho rằng muốn đóng cửa rừng tự nhiên thì phải đưa nó vào luật, do Quốc hội thông qua. Chỉ vậy, quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng mới có cơ sở thực hiện và hợp pháp. Nếu không, đây chỉ là xử lý tạm thời, tình huống. 

Theo GS. Lung, nhu cầu phát triển xã hội vẫn cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, và có điều chỉnh chủ động theo thời gian. Việt Nam có 33 triệu ha lãnh thổ thì có trên 16,4 triệu ha quy hoạch cho lâm nghiệp. Tất nhiên, không “xẻ thịt” rừng phòng hộ, đặc dụng để làm dự án như thời gian qua và hiện nay. Tốt nhất lấy đất chưa sử dụng, đất trống đồi trọc, sau đó mới đến đất rừng trồng sản xuất kém hiệu quả để phát triển (nhà máy, sân golf, nghĩa trang...). Trong phân loại hiện nay, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất đều có rừng tự nhiên và rừng trồng. Theo GS. Lung, chỉ nên chuyển đổi đất rừng sản xuất là loại rừng trồng. Việc chuyển đổi rừng tự nhiên trong loại rừng sản xuất cần hết sức thận trọng, vì mất rừng tự nhiên rồi thì không có lại được. Chỉ nên chuyển đổi loại đất rừng tự nhiên này ở khu vực bằng phẳng, nhưng phải đánh giá tác động môi trường để có giải pháp giảm thiểu đến tác động môi trường, xã hội.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT đến cuối tháng 12.2016, cả nước có khoảng 1 triệu ha đất ngoài quy hoạch ba loại rừng; và có khoảng 6,6 triệu ha rừng sản xuất, trong đó rừng tự nhiên chiếm gần 4 triệu ha. GS. Lung cho rằng, nếu thực hiện được việc đóng cửa rừng tự nhiên nghèo (không khai thác gỗ), thì 30 - 40 năm sau, nó sẽ thành rừng tự nhiên trung bình. Đồng thời, cần dừng hẳn việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang đất khác. Cũng không thể dựa vào lý do là rừng tự nhiên nghèo mà chuyển đổi sang loại đất khác (như thảm họa trồng cao su 10 năm trước). Theo GS. Lung, hiện tại rừng nghèo chiếm gần 70%, nếu chuyển đổi thì Việt Nam hết rừng. Rừng nghèo, một số ít là do lập địa, còn đa số là do con người quản lý không tốt, khai thác quá mức nên rừng ngày càng nghèo đi. Vì vậy, lấy lý do rừng nghèo nên chuyển đổi sang mục đích khác là bao biện.

GS. Lung lý giải, rừng tự nhiên nghèo không cho được bao nhiêu gỗ nhưng có tác dụng gần như là rừng tự nhiên giàu về mặt môi trường. Còn rừng trồng cũng có tính phòng hộ nhưng chỉ được 40-50% của rừng tự nhiên. Trong khi đó, thế giới sợ nhất là mưa nhiệt đới, chỉ tập trung 3-4 tháng, lượng mưa rất lớn, có nơi ở Việt Nam đến 3.000 - 4.000mm, nên nguy cơ lũ lụt, xói mòn, rửa trôi đất rất lớn. Tính toán của các nhà khoa học lâm nghiệp, rừng nhiệt đới tự nhiên, dù là rừng nghèo, giúp nước mưa không chảy trên mặt, mà 60-70% lượng mưa ngấm xuống đất làm thành dòng chảy ngầm. Nhờ vậy mà không có lũ quét, lũ ống, xói lở đất. Khi hạn hán, dòng chảy ngầm tiết nước ra làm cho sông, suối, hồ không bị khô cạn...

Cũng cho rằng cần lộ trình tiến dần đến dừng hẳn việc chuyển đổi đất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang các loại đất khác, và đóng cửa rừng, TS. Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra quy hoạch rừng nhấn mạnh: cần quy định chặt chẽ hơn nữa về các đối tượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Ví dụ thay vì chỉ dựa vào quy định diện tích, cần thêm các giá trị khác như loài đặc hữu quý hiếm, giá trị đa dạng sinh học, giá trị về tâm linh, cộng đồng... khi xét phải xét chuyển đổi đất rừng. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, lâm nghiệp các cấp.

Còn theo TS. Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, ngay cả khi phải chuyển đổi đất rừng trong những trường hợp bất khả kháng, thì khi đánh giá tác động môi trường dự án, việc quy định dự án mất đất rừng phải trồng bù rừng là chưa đủ. Vì vậy, Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi sắp tới cần quy định rõ: phải hoàn trả rừng và bồi hoàn đa dạng sinh học, thay vì chỉ phải trồng bù rừng với những dự án làm mất đất rừng (sau khi chuyển đổi) như hiện nay. 

TS. Lan giải thích, việc trồng bù rừng hiện nay chỉ quy định trồng lại diện tích ít nhất bằng diện tích rừng bị mất đi, nhưng lại không quy định về chất lượng rừng. Vì vậy mới xảy ra chuyện phá rừng tự nhiên rồi trồng lại rừng keo, rừng cao su... Tính về độ che phủ rừng, khả năng hấp thụ carbon thì có thể đảm bảo, nhưng xét về tính đa dang sinh học và các dịch vụ sinh thái khác, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và dịch vụ điều tiết như điều tiết lũ lụt, hạn hán, chống xói mòn đất... thì không thể đảm bảo như rừng tự nhiên. 

Bài và ảnh: Lê Quỳnh


                                          

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.