Tác giả Phúc Tiến tại buổi giao lưu ra mắt sách "Sài Gòn không phải hôm qua" ngày 30.7, với vai trò dẫn chuyện của nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy. Ảnh:TL
Anh thuộc thế hệ đầu 6X, chưa hẳn già cũng không còn trẻ nữa, anh viết về Sài Gòn để làm gì?
Quyển sách của tôi không phải là sách biên khảo lịch sử mà là tập hợp những bài báo đã viết từ hơn 25 năm trước cho đến gần đây. Một loại ký sự, những câu chuyện về Sài Gòn, nơi mình sinh ra, lớn lên, có những hiểu biết một ít về nó, có may mắn đi một số nước, để so sánh, suy nghĩ và chia sẻ lại.
Thực ra đến tuổi này mình không chỉ quan tâm về Sài Gòn. Những người qua tuổi 50 như mình, nhìn lại cuộc đời, hẳn nhiên trước nhất đều thấy chốn quê nhà... Những anh chị nhà báo, nhà văn viết về Sài Gòn gần đây như Phạm Công Luận đã cho tôi một niềm cộng hưởng lớn lao, một lời động viên hãy cùng góp nhặt những điều mình khám phá về thành phố này.
Cái ý định làm sách càng day dứt hơn từ lúc sự kiện thương xá TAX bị đe dọa phá bỏ. Hóa ra, ở thành phố của mình có nhiều thứ đang mất đi, hoặc có nguy cơ bị biến mất, hoặc biến dạng nhanh quá: Công viên Chi Lăng, tượng Trần Nguyên Hãn, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Ba Son và không gian dọc sông Sài Gòn, vườn Tao Đàn… Thoạt đầu, chỉ thấy mất kiến trúc, mất cảnh quan xưa đẹp, dần dần lại nhận ra, kéo theo đó là sự mất mát về văn hóa.
Những mất mát vật thể kéo theo mất mát phi vật thể, cứ đến ào ạt và những người yêu Sài Gòn đều thấy bức xúc, đều phải phản ứng bằng một cách nào đó rất tự nhiên. Với tôi, cái phản ứng đó là ghi chép và chụp ảnh, là tìm hiểu và viết, kể cả so sánh kinh nghiệm ở Hà Nội và các nước. Tôi viết để mong xã hội không chỉ đồng thuận lời cảnh báo mà còn chung tay tìm ra giải pháp thích hợp để gìn giữ di sản Sài Gòn.
Những bài viết của tôi về Sài Gòn đã từng đăng trên Tuổi Trẻ, Người Đô Thị, Thời báo Kinh tế Sài Gòn… Có lúc đề tài khó đăng báo thì mình post lên Facebook. Tôi muốn viết về một Sài Gòn xuyên thời gian, xuyên không gian và chia sẻ cho nhiều thế hệ, đặc biệt những người trẻ. Những thế hệ vẫn đang khắc khoải đặt câu hỏi về quá khứ huy hoàng của một đô thị, về những được mất trong nhiều năm tháng và ngay cả tương lai.
Một độc giả việt kiều ở Little Saigon (Mỹ) với sách của Phúc Tiến, trước giờ vào xem kịch "Dạ cổ hoài lang" của sân khấu Idecaf lưu diễn. Ảnh: FBNV
Thời làm ở báo Tuổi trẻ 20 năm trước, anh đã đưa ra lời cảnh báo "đừng nhân danh hiện đại hóa mà đánh mất bản sắc và linh hồn"?
Đó không phải là cảnh báo của tôi mà là cảnh báo của nhiều người. Tôi học được lời cảnh báo đó từ chính một bạn trẻ nước ngoài. Năm 1995, tôi nhận được lá thư ngỏ của anh Philippe Peycam, nghiên cứu sinh Tiến sĩ lịch sử, người Pháp gửi cho kiến trúc sư trưởng TP HCM. Anh Philipe đề nghị giữ lại một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn, đừng xây những cao ốc chọc trời ở trục đường Lê Duẩn - Đồng Khởi - Nguyễn Huệ mà anh gọi đó là trục linh hồn của Sài Gòn.
Sau khi được trực tiếp trao đổi với Philipe, báo Tuổi Trẻ chúng tôi đã đăng lá thư ngỏ của anh trên chuyên mục Câu chuyện chiều thứ Bảy. Bây giờ đọc lại, tôi thấy những điều Philipe nói vẫn còn nguyên giá trị. Nó không phải là câu chuyện của ngày hôm qua!
Cũng tương tự như thế, trong sách tôi có bài về vụ cháy thảm khốc thương xá ITC (còn gọi là Intershop) vào năm 2002. Tai họa nhắc chúng ta phải nhớ chuyện hỏa hoạn ở một đô thị lớn vẫn đang tiếp tục là vấn đề khẩn thiết không riêng cho Sài Gòn.
Trong cuốn sách này, Chương 5 “Sài Gòn, mẹ và tôi" là phần viết mới, những ký ức rưng rưng cảm động về tính cách Sài Gòn thấm đẫm trong mỗi phận người?
Mẹ tôi năm nay 88 tuổi, gần đất xa trời. Khi tôi viết về Sài Gòn của mọi người, tôi nhận ra mình còn có Sài Gòn của mẹ mình. Phải viết về Sài Gòn của mẹ, Sài Gòn của con, sự cưu mang, nuôi dưỡng của bao nhiêu người dành cho mình trước và sau 1975. Viết về 15 năm bươn chải thời bao cấp, về những câu chuyện cần thiết phải kể lại qua con mắt một người dân. Gia đình tôi có nỗi buồn nhưng nhiều gia đình khác và cả Sài Gòn còn những nỗi đau buồn lớn hơn… Sài Gòn không chỉ chịu đựng những nổi khổ do chiến tranh mà còn phải chòi đạp, chống đỡ với đói nghèo và quản lý thiển cận…
Sau 1975, Sài Gòn từ một cô tiên bỗng hóa “lọ lem”và rồi giờ đây trở lại lộng lẫy... Tôi viết chương 5 không chỉ là dòng hồi ức hoài cảm vui buồn mà còn là suy ngẫm lại quá khứ để nhìn nhận rõ hơn giá trị của hiện tại và tương lai.
Tác giả Phúc Tiến ký tặng sách cho độc giả tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. Ảnh: TL
Nhìn lại lịch sử, câu chuyện về "Hòn ngọc Viễn Đông" có đúng như vậy không? Làm thế nào để Sài Gòn có thể trở lại với danh phận của mình?
Sài Gòn là cái tên quốc tế từ rất sớm, không phải là nơi bế quan tỏa cảng. Dòng sông Sài Gòn kết nối với cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và thế giới, kết nối từ con đường xuất khẩu gạo và mua bán cho cả nước… Nếu so sánh Sài Gòn và Singapore sẽ thấy nhiều điều rất thú vị.
Đầu thế kỷ 20, Sài Gòn và Singapore phát triển ngang bằng nhau vì cả hai đều có nhân lực phong phú, vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi. Song điều quan trọng hơn cả là có một cơ chế quản trị phóng khoáng, tự do. Trong khi Singapore phát triển nhanh mạnh thì Sài Gòn cũng phát triển tương đồng, trở thành những thành phố tên tuổi của châu Á.
Người phương Tây tự hào gọi những thành phố tân tiến xuất hiện dọc bờ biển của vùng Đông Á như Tokyo, Thượng Hải, Hong Kong, Sài Gòn, Singapore, Penang… là một chuỗi ngọc trai. Trong đó, người Pháp tự hào đã đóng góp và làm nên Sài Gòn – một “Hòn ngọc Viễn Đông” trong chuỗi ngọc trai ấy. Rất tiếc, chiến tranh thế giới thứ Hai và sau đó là chiến tranh Việt Nam và rồi những năm tháng mệt mỏi trong yếu kém và cô lập đã làm “hòn ngọc Sài Gòn” lu mờ.
Để trở lại là “Hòn ngọc Viễn Đông”, theo tôi giờ đây đã có nhiều tiêu chí mới. Thành phố này không thể chỉ nhộn nhịp làm ăn, nhà cửa kiến trúc tân kỳ hiện đại. Nó đồng thời còn phải thể hiện trình độ văn minh ngay từ việc chăm sóc con người và môi trường sống, chất lượng sống. Nên nhớ, Sài Gòn chỉ chính thức bắt đầu được xây dựng làm một đô thị hiện đại theo kiểu châu Âu từ năm 1865, khi chính quyền Pháp ra quyết định công nhận đây là “Ville de Saigon”. Nghĩa là chỉ mới hơn 150 năm, vẫn còn đầy sức trẻ và một vốn kinh nghiệm quý báu, hiếm có.
Nói thêm về lịch sử, năm 1790, kinh thành Gia Định được xây dựng với sự tham gia của các chuyên gia Pháp. Chính Nguyễn Ánh đã nhờ chuyên gia Pháp không chỉ thiết kế thành quách mà còn đưa ra một quy hoạch xây dựng Sài Gòn như một thành phố Pháp với những đường phố thẳng hàng-đúng kiểu Napoleon. Tiếc thay, cái kế hoạch hợp tác Á-Âu đó đã bị bỏ dở.
Năm 1802, sau khi chiến thắng Tây Sơn, nhà Nguyễn đã dời kinh thành từ Gia Định ra Huế. Nếu lúc ấy nhà Nguyễn vẫn lấy Sài Gòn- một thành phố thông ra biển làm kinh đô (như người Nhật đã làm khi dời đô từ Kyoto sang Tokyo) thì hẳn lịch sử Việt Nam đã khác. Chúng ta có thể đã có một cuộc “Minh trị Duy Tân” từ hơn 200 năm trước. Đó cũng là một bài học lịch sử!
Anh nghĩ gì về việc TP.HCM kiến nghị cơ chế đặc thù?
Cơ chế đặc thù là một câu hỏi lớn. Ở một quốc gia có đến 63 tỉnh thành thì việc quản lý đất nước như thế nào để không bị xé lẻ, đồng thời vẫn không đầu tư cào bằng là một vấn đề khó. Vua chúa Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu quản lý một đất nước dài và phân chia nhiều tỉnh thành từ đầu thế kỷ 19.
Người Pháp vào áp dụng thể chế liên bang, quản trị ba miền có điểm này điểm kia khác biệt nhưng đều dựa trên một quyền lực chính trị thống nhất và nhất là một nền kinh tế thị trường cùng một luật chơi. Thời ấy, Hà Nội và Sài Gòn có nhiều quyền hạn rộng rãi hơn so với các địa phương khác. Sau đấy, chiến tranh liên tục và thể chế phi thị trường đã làm xộc xệch và biến dạng nhiều mô hình và thành tựu quản lý hiệu quả.
Đến bây giờ, nước ngoài vẫn còn đặt câu hỏi Việt Nam đã thực thi hết và thực thi đúng chính sách kinh tế thị trường chưa? Vẫn còn một số nước ngần ngại chưa công nhận Việt Nam đã là một nước có kinh tế thị trường đầy đủ.
Theo tôi thực thi hết kinh tế thị trường, thì ở nước nào cũng vậy sẽ thấy vị trí và vai trò của những “đầu tàu kinh tế” và phải có chính sách riêng để tạo ra và thúc đẩy chúng. Trường hợp Nhật, đó là vai trò của “vùng đô thị Tokyo” không phải là một thành phố đơn lẻ mà bao gồm 23 khu đặc biệt và 26 tiểu thành phố, có một số quy định quản trị riêng biệt. Hay như Thượng Hải của Trung Quốc, Los Angeles và bang California của Mỹ, những “đầu tàu kinh tế “ phải có đường ray riêng, đầu máy “xịn”, tài xế giỏi và dĩ nhiên phải có đóng góp lớn cho quốc gia.
Nhìn lại những được mất của Sài Gòn qua lịch sử, nỗi mất nào khiến anh đau xót nhất?
Đối với tôi, mất mát lớn nhất là văn hóa, giáo dục. Gần đây, tôi có sở thích là sưu tầm sách giáo khoa xưa nhiều nước để vừa nhớ lại tuổi thơ, vừa muốn so sánh các hệ thống giáo dục. Tôi qua Singapore thấy 10 năm trở lại đây, Bộ giáo dục không làm sách giáo khoa nữa mà cho các tác giả và nhà xuất bản được tự do làm sách giáo khoa.
Thậm chí, ở trung học, thầy cô đều có thể dạy học sinh bằng giáo trình riêng của mình, không cần đến sách giáo khoa nào hết. Lạ quá, những điều như vậy đã thấy có ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Thời tôi học tiểu học và trung học ở Sài Gòn cũng thế. Vậy mà sau 1975, sách giáo khoa ở ta lại đi giật lùi. Chưa kể nội dung sách giáo khoa đều có nhiều điều rất “ngộ nghĩnh”. Chẳng hạn, sách giáo khoa dạy tiếng Anh trong nhà trường nhiều năm nay, biên soạn bởi tác giả trong nước, chỉ đề cập phần lớn đến sinh hoạt diển ra ở…Việt Nam.
Ngoài việc học ngữ pháp và giao tiếp, sách giáo khoa tiếng Anh ở các lớp cuối rất ít đưa vào văn chương Anh Mỹ. Trong khi ấy, ở miền Nam trước đây, học sinh làm quen với tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức đều được học thẳng bằng sách do người bản ngữ biên soạn (chẳng hạn bộ English for today). Đến năm lớp 11, lớp 12, học sinh đã bắt đầu đọc nhiều, biết nhiều về văn chương của các nước sử dụng ngoại ngữ ấy. Cái tinh thần và nội dung học hỏi đó, bây giờ chúng ta gọi là “hội nhập”, là “toàn cầu hóa” thì xa xưa, điều đó đã bắt đầu có từ những trang sách.
Các lĩnh vực khác của giáo dục và sách giáo khoa như Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Đạo đức …đều có những chuyện buồn tương tự. Không được học tốt, học đầy đủ về khoa học xã hội và nhân văn thì làm sao học sinh có thể đi xa và đến với nhiều chân trời mới, nuôi dưỡng hoài bão và lòng nhân ái?
Những mất mát không nhỏ là nề nếp của một đô thị văn minh được tạo dựng qua hơn một thế kỷ bỗng bị đảo lộn. Ngay tháng 5 năm 1975, tôi đau lòng trông thấy cảnh người ta “tùng xẻo” lột vỏ cây của những hàng cây trên đường Duy Tân, gần Hồ Con Rùa để làm củi đun. Giao thông thành phố trở nên xô bồ, đèn xanh đèn đỏ đều trở nên vô tri. Nhà nước tốn tiền làm cầu, làm đường hầm nhưng lại không đầu tư để làm đẹp những tiện nghi giao thông công cộng. Mất mát di sản không chỉ là góc đường, cái nhà cụ thể mà còn mất đi sự nâng niu với giá trị văn hóa. Mất mát lớn hơn nữa là rất nhiều người giỏi bị đối xử bất công nên đã ra đi.
Tuy nhiên, giờ đây khi nghĩ về những mất mát đó, tôi cho rằng cần nhìn bằng đôi mắt bao dung muôn thuở của Sài Gòn. Đau buồn, rưng rưng nhưng đừng để hận thù xóa đi những hy vọng kiến tạo lại tương lai!
Bằng quyển sách này, anh có muốn làm nhà “Sài Gòn học" ?
Không, tôi chỉ xin tiếp tục "học Sài Gòn"! Tôi luôn coi Sài Gòn là một đối tượng để mình học. Tôi chưa dám, chưa đủ sức để trở thành nhà Sài Gòn học, vả lại cuộc sống còn nhiều việc khác phải lo toan, phải kiếm sống. Nhớ lại cũng là một cách để học Sài Gòn. Đọc lại nhiều tư liệu, trò chuyện với hai bác sĩ trẻ ngồi đó tha thiết ngắm nhìn thương xá TAX... tôi thấy mình học được nhiều điều chưa biết về Sài Gòn. Học những câu chuyện về lịch sử và con người như là ông nhà giáo dám quay phim đám tang Trần Văn Ơn, ông tướng Dương Văn Minh dám đầu hàng để Sài Gòn không bị bom đạn tan hoang. Học Sài Gòn không chỉ là những vấn đề trong quá khứ mà còn là những vấn đề thời sự và tương lai.
Cứ ngẫm xem chúng ta đang nói đến thảm họa môi trường Formosa. Thảm họa này đâu chỉ diễn ra ở Hà Tĩnh. Ở bất cứ nơi nào trên cả nước, nếu buông bỏ kỷ cương, nhắm mắt vì lợi ích nhóm thì những khu công nghiệp, những công trình xây dựng lớn nhỏ đều ngầm chứa những quả bom thảm họa. Nói và viết về những điều đó không phải để làm cho vết đau tấy lên, mà đừng để Sài Gòn rơi vào những tai ương trong quá trình phát triển kế tiếp.
Kim Yến / theo bizlive.vn
Tin, bài liên quan: