Những triệu chứng thường gặp ở người bị huyết áp cao. Ảnh: Internet
ThS-BS. Nguyễn Xuân Tuấn Anh (Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM): Huyết áp của bạn lúc lên lúc xuống như vậy không chắc chắn bị tăng huyết áp. Theo định nghĩa, bệnh tăng huyết áp là sự tăng huyết áp lâu dài, do áp lực của dòng máu tác động lên mạch máu. Rất nhiều yếu tố trong cuộc sống có thể tác động lên huyết áp.
Ví dụ, ở nhà huyết áp chỉ khoảng 120mmHg, nhưng ra ngoài trời nắng, kẹt xe… huyết áp có thể lên đến 160-170mmHg. Do đó, bạn nên lập bảng theo dõi huyết áp, và nên đo vào lúc yên tĩnh, nghỉ ngơi (không nên đo khi nhức đầu, chóng mặt…). Nếu lúc yên tĩnh, nghỉ ngơi đo huyết áp bình thường nghĩa là không phải tăng huyết áp.
Nhức đầu, chóng mặt có thể là triệu chứng và thường gặp ở nhiều bệnh lý, nguyên nhân khác nhau (do căng cơ, viêm xoang…), không phải do tăng huyết áp làm nhức đầu. Đây là hiểu lầm thường gặp. Khi huyết áp tăng hầu như không có triệu chứng, vì vậy mới gọi căn bệnh này là “kẻ giết người” thầm lặng.