mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Đất lành giữa đồi núi biên cương

 13:47 | Thứ tư, 08/11/2023  0
Đồng Văn lắng lại trong tôi những nỗi da diết dài như con đường vòng vèo đèo dốc.

Người phụ nữ ngồi bên góc đồi tam giác mạch kể về “đứa ba” của đứa cháu bà đang nắm tay. “Đây là đứa con của người vợ to. Người vợ to chết vì bệnh cái bụng to. Còn “đứa ba” nó bị người vợ bé cắt cổ chết rồi. Nó bán cái nhà kia lấy tiền đi rồi”.

Cái nhà cheo meo triền núi bên cạnh bờ vực. 

Trên đường đi, tôi thấy một ngôi trường nhỏ bên bờ vực. Trường cất gác đầu lên con đường đeo mạn sườn của những dãy núi nhìn mỏi mắt. Dưới kia là vực sâu và hẳn phía bên kia bờ vực cũng là dãy núi cao. Tôi nghĩ cô giáo nào về đây đứng dạy, những ngày buồn lòng chuyện gì đó, đứng bên cửa sổ trường nhìn xa xăm thấy núi tiếp núi, nhìn cao hơn nữa thấy mây tiếp mây, nhìn lại mình thấy đời mỏng mẻo như con kiến chắc bỏ trường mà chạy quá.

Mà chạy đâu bây giờ. Ra khỏi nhà là gặp núi, ra khỏi núi là gặp núi cao hơn hoặc gặp vực sâu hơn. Mỗi ký lô mét đường trôi qua dưới vòng quay bánh xe lâu lơ lâu lắc. Xe hư dọc đường, xe bể bánh dọc đường thì chỉ có nước ngồi khóc với núi mà núi lại rất xa, khóc với vực thì vực lại rất sâu, mà khóc với đường thì đường cua thăm thẳm. Thằng em nói để có con đường trần ai lai khổ này cho chị tới đây người ta phải treo mình trên vực đá để làm đường đó chị. Mỗi cây số đường dưới mình tính bằng nhiều tiền, mỗi cây số ở đây tính bằng rất nhiều tiền và mạng người nữa. Nó dừng xe lại chỗ bia tưởng niệm những người công nhân đã hy sinh trong giai đoạn đầu làm đường. 

Thằng em dẫn đường nói “chị lên bản Lô Lô, nơi đêm nay mình ngủ sẽ thấy con người mong manh hơn”. Em nói biên giới là một đáy vực sâu mang tên dòng sông Nho Quế. Chỗ bản của họ, những cô gái đi xuống sườn núi trồng bắp trồng đậu có khi bị bắt cóc mà không biết là bị đem đi xứ nào. 

Biên giới, nơi lằn ranh, bao giờ cũng là nơi đáng ngại. Ánh sáng rực rỡ phía trung tâm cỡ nào thì tới biên giới nó cũng nhạt dần. Vùng An Giang, từ trung tâm tỉnh về vùng biên chỉ chạy chừng hai giờ xe máy mà vẫn cảm giác xa xôi. Cũng có những phận người chênh vênh giữa hai bờ đất nước. Một Đồng Văn trùng trùng núi, chưa đi đã sợ và càng đi càng thấy chơi vơi thì phận người còn mong manh cỡ nào.

Đêm nay tôi ngủ ở làng Lô Lô giữa mênh mông đá cao chen đá cao hơn nữa. Tôi nghe tiếng người Lô Lô đầu tiên là từ điện thoại thằng em dẫn đường. Nó nói anh Sình Dỉ Gai đang chuẩn bị sẵn chỗ ở đã nấu sẵn bữa cơm. Tôi tự hỏi đêm nay mình hình dung gì giữa căn nhà Lô Lô trong miền biên giới chập chùng núi. Mình hình dung gì giữa những câu chuyện chồng chất câu chuyện mà chuyện nào mạng người cũng nhẹ như giọt nước hạt sương.

Trong nỗi hoang hoang giữa chiều, trong cơn mưa lất phất giữa cao nguyên lành lạnh, bản Lô Lô Chải hiện ra như một miền ký ức.

Người Lô Lô Chải tại Lũng Cú có thể no ấm được trong bản làng mình là bởi họ sống bằng kết nối


Vài căn phòng biệt lập nhưng lại đúng chất con đẻ của ngôi nhà mái ngói có khoảng sân liu riu cỏ và bờ rào đá cũ. Vách nhà là những miếng ngói vảy cá cắt mỏng xếp từng sớ như những nét vẽ ngẫu hứng của họa sĩ. Những thanh củi nhỏ cỡ ngón chân người ghép thành những mảng họa tiết vuông làm vách phòng. Bên hông dãy phòng trọ, cạnh những bờ rào đá là những mảng sân bậc thang xanh màu bắp, màu đậu. Cạnh đó những dây bí đang trổ rực bông vàng. Bí đậu bắp ở đây không gợi nên cái đẹp hay cái no ấm, mà nó gợi nên không khí những ngày tôi còn nhỏ sống với nội. Từng tấc đất cũng được xới lên, gieo hạt và tưới tắm mỗi ngày. Khoảnh sân nhỏ cạnh nhà là cả thế giới cây trồng mang màu nương rẫy hơn là màu của một khu du lịch. 

Ngồi trong phòng nhìn ra cửa sổ thấy cột cờ Lũng Cú rất gần, tưởng như bước xuống con dốc trước sân nhà là gặp chân cột cờ. Nhưng thật ra nó ở cách đó gần hai cây số.

Sình Gai nhũn nhặn bày thức ăn, nhũn nhặn uống rượu cùng mọi người rồi kể một chút về những ngày chỉ một mình đón khách, “giờ thì hầu hết dân trong bản Lô Lô đều đón khách du lịch”. Những nhà nào không đón khách thì Sình Gai phân công họ trồng rau, nuôi gà, nuôi dê để làm dịch vụ ăn uống cho khách. Hai vợ chồng cũng đi học cách nấu ăn theo kiểu nhà hàng, nhưng cuối cùng lại chọn cách chế biến những món ăn dân dã nguyên vị thiên nhiên.

“Tôi thuyết phục bà con xây dựng lại những hàng rào đá của ông bà hồi xưa. Hàng rào đá phù hợp với nhà cổ hơn hàng rào bằng gạch vuông vức. Nhà có hàng rào đá tự nhiên nhìn thấy thương liền”, Sình Gai kể.

Tôi bị phá sản về cái hình dung hoang sơ đầy ám ảnh đối với làng Lô Lô Chải. Tôi cảm thấy ganh tị bởi một Lũng Cú sang cả. Bởi họ như một đại gia có nhà mặt tiền đẹp để bán vé cho khách tham quan vừa có thể sống được trong ngôi nhà đó như hồi họ còn thơ ấu. Nó không phải kiểu vì kế sinh nhai mà tiện lợi hóa từng cái gùi nhựa, từng cái chén nhựa và bán đi cái chén sành cổ, cái gùi tre ám khói của cha ông. 

Vượt qua bao nhiêu xa xôi, nơi này vẫn đáng sống với họ. Quê hương nuôi được họ. Họ xây dựng và họ bảo vệ ngôi nhà mình, bảo vệ bờ rào của cha ông ngày xưa. Tôi thấy mọi hiểm trở của đường đi chẳng còn gì quan trọng. Mặc kệ 180 km những con đường đầy cua ống tay áo, Lũng Cú mở ra một trung tâm mới mặc dù nó cũng đồi cũng thung lũng cỗi cằn y như những vùng lân cận.

Có phải cột cờ Lũng Cú đem lại trù phú cho làng Lô Lô Chải? Quanh cột cờ vẫn có nhiều làng bản khác. Nhiều thắng cảnh quốc gia lừng danh cũng chỉ thu hút khách tham quan tới chụp cái ảnh để minh chứng “tôi từng đến đây” rồi về. Những nơi đẹp hơn, ăn chơi được hơn thì được khoanh vùng bán vé và dân địa phương lùi ra rìa rồi trở vào đó trong vai trò nhân viên với lương ba cọc ba đồng. Người Lô Lô Chải tại Lũng Cú có thể no ấm được trong bản làng mình là bởi họ sống bằng kết nối.

Không phải là sự kết nối đơn thuần bởi tình làng nghĩa xóm. Những ý nghĩ đó khá hoa mỹ nhưng nó khó tồn tại bởi người ta không thể nhịn đói mà nói tình nói nghĩa cùng nhau. Kết nối phải khoa học, là một kết nối đúng với câu “buôn có bạn bán có phường”. 

Đến Lũng Cú để ăn món ngon rừng núi. Đến Lũng Cú để ngủ giấc an lành hay để sống lại giữa khung cảnh xưa cũ. Nếu muốn nhìn thấy đông đúc nhộn nhịp thì đến Lô Lô Chải ngày cúng tổ tiên. Nhìn cách những người phụ nữ Lô Lô vốn dĩ ngày ngày đi nuôi dê đi hái bắp nay hát múa cùng nhau nhịp nhàng điệu nghệ, biết rằng họ đã tập tành cùng nhau kỳ công cỡ nào.

Giữa thời bon chen cơm áo gạo tiền, bỏ thời gian để tập tành ca hát cùng nhau trong những tác phẩm nghệ thuật của dân tộc tưởng như trò xa xỉ. Kỳ công nhưng họ vẫn làm bởi vì tất cả có chung mục đích là chung tay cúng tổ tiên. Tổ tiên chung chớ không phải tổ tiên một họ tộc nào. Tất cả hòa cùng một mái nhà mang tên Lô Lô Chải. 

Nhà Sình Dỉ Gai là hộ gia đình đầu tiên làm du lịch cộng đồng tại bản Lô Lô Chải đã được 12 năm.


Lô Lô Chải bảo vệ chén cơm của mình, bảo vệ an sinh của mình và đương nhiên họ bảo vệ biên giới. Họ không phải đơn độc ngu muội mà đào bán rễ cây, bứt lá mãng cầu bán kiếm ba đồng ba cọc để tàn phá vườn tược nông dân, tàn phá nền kinh tế nội địa. 

Nhìn lượt người đổ về Lô Lô Chải kín tất cả các nhà trong làng, tôi hỏi đùa: “Anh Sình Gai ơi, anh chỉ dẫn cho mọi người đón khách rồi người ta khôn hơn, mai mốt người ta giàu hơn anh rồi sao?”

“Mọi người đã giàu hơn tôi nhiều rồi đó chị ơi. Tôi thích giữ lại những gì Lô Lô Chải từng có thôi. Ai giàu cũng được. Ai yêu Lũng Cú cứ lên làm du lịch. Giàu càng tốt, miễn sao giữ lại cho tôi những gì Lô Lô Chải đã giữ. Miễn sao vẫn có người làm nông, vẫn có người chăn nuôi, vẫn có người vô bếp nấu món bản làng. Phải làm nông mới được, đó là gốc của ông bà ngày xưa để lại. Bản làng Lô Lô Chải không thay đổi là ước mơ của tôi. Mọi thứ còn lại tôi ủng hộ hết”. 

Đường về xe chúng tôi bị bể bánh thật, nhọc nhằn thì khỏi kể. Chúng tôi kiệt sức bởi đường đèo dốc nên phải tịnh dưỡng nhiều ngày. Nhưng nhắc về Lô Lô Chải, về Lũng Cú xa xôi tôi vẫn thấy an tâm. Tôi vẫn thèm về bản Lô Lô Chải trong ngày hội cúng tổ tiên. Tôi thầm cám ơn tổ tiên họ đã tạo dựng nên những con người gắn kết cùng nhau và gắn kết máu thịt cùng mảnh đất họ cắt rún chôn nhau. Để dẫu thời gian trôi bao lâu, Lũng Cú vẫn mãi nguyên sắc màu, mặc kệ những phũ phàng của mưa rừng gió núi biên cương. 

Bài và ảnh: Võ Diệu Thanh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.