Văn bản cho biết trong thời gian qua, UBND thành phố Đà Lạt đã giao Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng Lâm Viên, UBND các phường, xã và các đơn vị có liên quan kiểm tra xác minh, đề xuất chặt hạ đối với những cây chết khô, cây có nguy cơ ngã đỗ trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, qua thực tế, các đơn vị chưa linh hoạt trong quá trình xác minh, đề xuất chặt hạ cây (vị trí trồng lại cây, loại cây trồng không phù hợp, chưa xác định rõ vị trí chặt hạ và vị trí trồng lại trên họa đồ kèm theo biên bản,…). Đồng thời, để phát triển, bảo tồn cây xanh khu vực nội thị (đặc biệt là Thông ba lá), UBND thành phố Đà Lạt chỉ đạo:
Giao Phòng Kinh tế trong quá trình xác minh chặt hạ phải cam kết tổ chức, cá nhân trồng lại cây xanh tối thiểu bằng số cây đã chặt hạ tại vị trí phù hợp gần vị trí chặt hạ (vận động ưu tiên trồng Thông ba lá). Biên bản xác minh phải kèm theo họa đồ xác định vị trí cây chặt hạ, vị trí trồng lại cây, chủng loại cây trồng để làm cơ sở kiểm tra, theo dõi sau này.
Hạt kiểm lâm Đà Lạt kiểm tra hiện trường ngày 22.4.2021 vụ đốn hạ nhiều cây thông đường kính 40-72 cm, cao 14-20 m nằm trên đường Trần Hưng Đạo, một trong những tuyến đường đẹp nhất của trung tâm Đà Lạt còn giữ nhiều cây thông cổ thụ. Ảnh: Khánh Hương
Trường hợp không thể trồng lại cây Thông ba lá thì có thể trồng lại các loại cây khác (Mai anh đào, Tùng búp…), trong đó, nhà nước chịu chi phí mua cây giống Thông ba lá; các tổ chức, cá nhân phải chịu chi phí mua cây giống khác (Mai anh đào, Tùng búp…) và cây giống phải đảm bảo chất lượng (chiều cao tối thiểu 1,5 m, đường kính tối thiểu 01 cm).
Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và các đơn vị có liên quan xây dựng lại đơn giá cây xanh nộp vào Qũy phát triển cây xanh thành phố Đà Lạt; trình thẩm định, phê duyệt trong tháng 8.2021.
UBND thành phố Đà Lạt giao Ban quản lý rừng Lâm Viên phân công các bộ tiểu khu theo dõi quá trình trồng lại cây xanh và việc quản lý, chăm sóc cây xanh của các tổ chức, cá nhân để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Khi cấp cây giống cho các tổ chức, cá nhân theo quyết định cho phép chặt hạ phải lập biên bản giao nhận cây, lập cam kết với tổ chức, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc và bảo vệ để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Kịp thời thông báo đến UBND các phường, xã về các trường hợp không chấp hành trồng cây theo quyết định cho phép chặt hạ để có hướng giải quyết.
Trưởng Ban quản lý rừng Lâm Viên chịu trách nhiệm trước UBND thành phố Đà Lạt, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt đối với việc tổ chức chặt hạ, tỉa cành cây; chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây sau trồng của các tổ chức, cá nhân; Định kỳ 6 tháng tổng hợp, báo cáo UBND thành phố Đà Lạt tình hình thực hiện.
Hạt kiểm lâm Đà Lạt cử cán bộ phối hợp Phòng Kinh tế kiểm tra, xác minh các trường hợp đề xuất chặt hạ, tỉa cành; phối hợp kiểm tra, giám sát quá trình chặt hạ, tỉa cành cây của Ban quản lý rừng Lâm Viên.
UBND các phường, xã chủ động phối hợp với Ban quản lý rừng Lâm Viên theo dõi quá trình trồng lại cây xanh và việc quản lý, chăm sóc cây xanh của các tổ chức, cá nhân để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt nhằm mục đích phát triển, bảo tồn cây xanh khu vực nội thị, đặc biệt là Thông ba lá.
Minh Hoàng