Mới đây, Bệnh viện Phổi Trung ương đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống khám chữa bệnh từ xa (iSofHcare) nhằm phục vụ người bệnh với mức giá ưu đãi 50.000/ lần khám (đến ngày 30.4). Phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, về dịch vụ mới mẻ này.
Thưa ông, thời gian qua, do lo ngại dịch bệnh, nhiều bệnh nhân đã không dám đến bệnh viện để khám bệnh. Bệnh viện Phổi Trung ương đã có phương án nào để tạo thuận lợi cho người bệnh?
![]() |
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: TL |
Chúng tôi đã rất trăn trở khi hàng trăm bệnh nhân liên quan đến bệnh về phổi có thể không được khám bệnh kịp thời khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Chỉ sau hơn một tuần Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16, Bệnh viện Phổi Trung ương đã nhanh chóng đưa vào triển khai thí điểm ứng dụng khám bệnh từ xa iSoftHcare với sự tham gia của đội ngũ giáo sư, bác sĩ giàu kinh nghiệm của bệnh viện (BV). Thời gian thí điểm từ ngày 14.4 đến ngày 30.4 và có thể tiếp tục kéo dài hơn nữa.
Đây là kết quả của sự nỗ lực của tập thể đội ngũ y bác sĩ bện viện, mong muốn cung cấp dịch vụ tư vấn, khám bệnh kịp thời của người bệnh mà vẫn an toàn trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.
Thông qua ứng dụng khám bệnh từ xa của BV Phổi Trung ương, bệnh nhân có thể thực hiện đặt lịch hẹn khám, chuyển tiển, nhận đơn thuốc, lưu y bạ điện tử… và nhận được sự tư vấn trực tiếp của bác sĩ thông cuộc gọi video call (tối đa 15 phút). Bệnh nhân chỉ phải đến BV thực hiện xét nghiệm và chụp phim nếu có yêu cầu của bác sĩ.
Những đối tượng bệnh nhân nào có thể sử dụng dịch vụ khám bệnh từ xa, thưa bác sĩ?
Có hai đối tượng có thể sử dụng dịch vụ này. Thứ nhất là những bệnh nhân đã từng khám, điều trị tại bệnh viện và đang được bệnh viện quản lý. Những bệnh nhân điều trị ngoại trú hoặc những bệnh nhân có lịch tái khám có thể đặt lịch khám bệnh qua ứng dụng khám bệnh từ xa và được bác sĩ thực hiện tư vấn có tiếp tục kéo dài thời gian điều trị, hay có sự điều chỉnh đơn thuốc. Bệnh nhân cũng có thể yêu cầu bệnh viện chuyển thuốc đến tận nhà.
Những bệnh nhân này có thuận lợi nhất bởi đã có sẵn hồ sơ bệnh án, các đơn thuốc, xét nghiệm tại BV trước đó. Hệ thống quản lý khám bệnh trực tuyến có sự có sự liên thông với hệ thống quản lý điện tử của bệnh viện hiện nay (đang quản lý hàng nghìn hồ sơ) nên rất thuận lợi cho việc khám chữa bệnh.
Ứng dụng teleconsultation giúp “kết nối 3” giữa bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, người bệnh và bác sĩ trạm y tế phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Thứ hai là đối với những bệnh nhân mới. Các bác sĩ chủ yếu khám và tư vấn đối với những trường hợp người bệnh có dấu hiệu của bệnh thông thường ví dụ như cảm cúm, khó thở do hen… Bằng kinh nghiệm lâu năm, quan sát và nghe người bệnh trình bày các triệu chứng, các bác sĩ cũng có thể chẩn đoán được một số bệnh.
Đối với những trường hợp phức tạp hay bệnh nhân có biểu hiệu khó thở, sẽ được hẹn đến BV để khám và làm bổ sung các xét nghiệm.
Chúng tôi muốn sử dụng ứng dụng khám bệnh trực tuyến này để khám và phát hiện các trường hợp mắc bệnh lao một cách nhanh nhất.
BV đã có những bước chuẩn bị như thế nào để triển khai hình thức khám bệnh mới này thưa bác sĩ?
Giai đoạn thử nghiệm, mỗi ngày hệ thống khám bệnh trực tuyến cũng đã ghi nhận khoảng 30 lịch đặt, và có khoảng 10 người được cung cấp dịch vụ. Đến nay đã có hàng trăm lượt khám bệnh được thực hiện thành công trên ứng dụng này. Người bệnh và bác sĩ tại BV cũng khá hài lòng với hình thức khám bệnh từ xa này.
Sở dĩ có thể nhanh chóng đưa vào dịch vụ khám bệnh từ xa là do chúng tôi có nền tảng công nghệ thông tin đã khá tốt từ trước, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đã được số hóa. BV cũng đã cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến, hội thảo khoa học, họp trực tuyến thường quy từ rất lâu rồi.
Đối tác cung cấp dịch vụ về công nghệ thông tin đã phối hợp với chúng tôi xây dựng được công cụ kết nối với người bệnh, đó chính là ứng dụng khám bệnh từ xa, thuận lợi cho những người sử dụng điện thoại thông minh phổ biến hiện nay. Người dân chỉ cần tải (download) ứng dụng trên App Store hoặc Google Play, sau đó khai báo số điện thoại,… là có thể sử dụng được dịch vụ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là BV có đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ giàu kinh nghiệm có đủ khả năng tương tác với người bệnh, nắm bắt được những dấu hiệu, biểu hiện của bệnh để đưa ra quyết định tốt nhất cho người bệnh hoặc tư vấn không cần dùng thuốc. Đội ngũ bác sỹ, chuyên gia cũng đã được tập huấn kỹ càng và rất nhiệt tình, nhiệt huyết, tận tâm với người bệnh.
Chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện ứng dụng iSofHcare nhằm cung cấp tới người bệnh dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất.
Cám ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Xu thế tất yếu
Mới đây, tại buổi khai trương nền tảng khám bệnh từ xa do Viettel phát triển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò của nền tảng khám chữa bệnh từ xa trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế, hướng tới mục tiêu quốc gia số, quốc gia thông minh.
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Viettel phát triển, đáp ứng đầy đủ quy định khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế, gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Ngay sau đó, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế và Đài Tiếng nói Việt Nam đã ký kết biên bản phối hợp hoạt động cung cấp gói hỗ trợ miễn phí về tư vấn khám chữa bệnh online trong thời gian có dịch COVID-19. Theo đó, người dân chỉ cần tải ứng dụng VOVBacsi24 về điện thoại thông minh hoặc truy cập trang vovbacsi24.com, đặt lịch hẹn với các bác sĩ chuyên khoa là được các bác sĩ tư vấn, giải đáp, hỗ trợ miễn phí. Ứng dụng này đã được đưa vào hoạt động từ năm 2017 và đến nay đã có hàng nghìn lượt khám thành công, được nhiều bệnh nhân tại các tỉnh địa phương tin tưởng sử dụng.
Theo các chuyên gia y tế, khám bệnh từ xa có tác động tích cực trong việc giảm tải tới 1/3 lượng người khám chữa bệnh từ các địa phương “đổ” về Hà Nội, trong đó có không ít người mắc bệnh ở thể nhẹ, chưa cần thiết đến bệnh viện. Điều này mang lại sự thuận tiện, kịp thời trong việc tư vấn cho người bệnh, giảm thiểu chi phí đi lại và thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, ước tính số liệu năm 2018, Việt Nam có 174.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao Quốc gia hiện đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, khoảng 20.000 người được phát hiện đã điều trị tại khu vực y tế tư nhân nhưng không báo cáo với chương trình, còn lại khoảng 50.000 bệnh nhân chưa được phát hiện.
Số người chết do Lao năm 2018 ở Việt Nam ước tính là 11.000 người và có thêm 2.000 người chết vì Lao/HIV.
Nguyễn Lê