Kết quả khảo sát của trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM (trung tâm), mùa mưa năm 2014 TP.HCM sẽ có ít nhất 52 tuyến đường có nguy cơ ngập do mưa và 24 tuyến đường ngập do mưa kết hợp với triều cường, chưa kể vẫn còn 6/14 điểm ngập “tồn” từ năm 2013 hiện chưa giải quyết xong.
Chuyện dài chưa hồi kết
Sau cơn mưa rạng sáng 20.5, hàng loạt tuyến đường bị ngập nặng, cư dân đô thị phải bì bõm “lội sông” đi làm, đi học. Trước đó vào 30.4, Sài Gòn cũng đón một cơn mưa không lớn lắm nhưng nhiều tuyến đường bị ngập nặng: Kinh Dương Vương, Tân Hoà Đông, An Dương Vương, Phan Anh, Lũy Bán Bích, Tân Hoá... Nhằm ứng phó kịp thời với nạn ngập nước, trung tâm đang triển khai lắp đặt các trạm bơm hỗ trợ tại các tuyến đường trọng điểm.
Một trong nhiều kế hoạch lớn đã có từ lâu của TP.HCM là xây 30 hồ chứa nước lớn để giảm ngập. Trước mắt, trung tâm tập trung triển khai hai hồ, một hồ ở khu vực Gò Dưa (Thủ Đức) diện tích 100 ha, hồ thứ hai ở khu vực Bàu Cát (Tân Bình) khoảng 4.000m². Trong quý hai này, dự kiến UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết. Sẽ có 30 hồ điều tiết lớn được xây khu vực ngoại thành và hàng trăm hồ nhỏ, hầm chứa ngầm dọc vỉa hè, sân trường… khu vực nội thành.
Với hệ thống hồ như trên được xây dựng, ban điều phối chương trình chống ngập tỏ ra lạc quan cho biết, sẽ giúp giảm 30% tình trạng ngập úng so với hiện nay.
Còn nhiều dự án chống ngập khổng lồ nữa trong tương lai, như: hoàn thiện tuyến đê bao khép kín, xây dựng các cống tiêu thoát triều kết hợp trạm bơm tại các kênh rạch lớn. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2015, TP.HCM sẽ khởi công và hoàn thành 27 dự án chống ngập trọng điểm.
Tuy nhiên, một thực tế “sống chung với ngập” mà cư dân sống tại Sài Gòn vẫn phải chịu đựng trong mùa mưa này là hàng loạt dự án chống ngập vẫn ngổn ngang. Có thể điểm mặt: khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Kha Vạn Cân (Thủ Đức)… vì các dự án tuy đã có nhưng chưa thi công hoặc thi công chưa xong. Tại Thủ Đức, dự án rạch Cầu Ngang đang vướng giải phóng mặt bằng. Đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Lương Định Của (quận 2) dù đã có dự án thoát nước nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể thi công…
|
Ì ạch vì thiếu tiền?
Theo trung tâm, đến nay hơn năm năm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án quy hoạch thuỷ lợi chống ngập cho Sài Gòn đã đội vốn từ 11.000 tỉ đồng lên 57.800 tỉ đồng, dù các hạng mục dự án này chưa triển khai được bao nhiêu. Tính đến đầu năm nay, các hạng mục đã hoàn thành của dự án trên chỉ gồm 31/149km đê bao ven sông Sài Gòn, 1/9 cống ngăn triều lớn. Tuyến đê bao đã xây dựng chủ yếu ở tả ngạn sông Sài Gòn và cống ngăn triều lớn Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Tuy chương trình chống ngập là một trong sáu chương trình đột phá giai đoạn 2011 – 2015 của thành phố, nhưng việc cấp bách là phải đào hồ, thì ba năm qua tất cả vẫn trong giai đoạn soạn thảo, chưa có hồ điều tiết nào được xây dựng.
Vừa qua, UBND TP.HCM đã làm tờ trình gửi bộ Kế hoạch và đầu tư đăng ký vay 763 triệu đôla Mỹ từ ngân hàng Thế giới để làm dự án chống ngập. Các hạng mục được thống kê gồm: cống ngăn triều, cống thu gom nước mưa, nước thải, cải tạo kênh… trong thời gian từ năm 2015 đến 2020.
Tuy dài dằng dặc các dự án, công trình chống ngập và chưa rõ chừng nào kết thúc, nhưng trong báo cáo về chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011-2015, trung tâm chống ngập TP.HCM rất lạc quan khi đưa ra dự tính đến năm 2015, kế hoạch chống ngập cho trung tâm thành phố sẽ hoàn tất. Khi đó, khu vực trung tâm hoàn toàn hết ngập, trừ trường hợp gặp thiên tai!
Hà Thanh