mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Ẩn họa từ thói quen xoay cổ, khớp “rắc…rắc”!

 23:30 | Thứ năm, 04/03/2021  0
LTS: Mạng xã hội những ngày Tết vừa qua đã lan truyền thông tin một chàng trai 26 tuổi ở Hà Nội bị liệt nửa người sau động tác xoay cổ, vai kêu răng rắc cho đỡ mỏi trong lúc ngồi coi tivi. Thông tin này đã gây tranh cãi bởi nhiều người cho rằng hành động bình thường đó không thể dẫn đến tai họa như vậy, và trong y học cổ truyền xoay cổ, vai còn là một liệu pháp. Để bạn đọc có thông tin chuẩn mực, Người Đô Thị giới thiệu ý kiến chuyên môn của ThS-BS. Hoàng Nguyễn Anh Tuấn (Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM).

Khi tiếng rắc ở cổ xảy ra đơn độc thì thường vô hại nhưng khi kèm với đau hay phù nề thì đó là chỉ điểm cho một vấn đề nguy hiểm. Ảnh: T.A.T


Xoay cổ để tạo nên những tiếng “rắc…rắc” là thói quen khá phổ biến của nhiều người. Không chỉ ở cổ, mà còn bẻ các khớp ngón tay, ngón chân, vặn lưng,… Một số người làm để giảm áp lực khi mỏi vai, cổ; hoặc phản ứng với căng thẳng, mệt mỏi khi đứng, ngồi lâu một tư thế. Số khác làm có khi chỉ là thói quen, thích nghe “rắc…rắc”.

Tiếng “rắc” từ đâu ra?

Cho đến nay người ta vẫn chưa thật rõ về điều này. Thí dụ như tập thể dục với các bài tập lặp đi lặp lại, nâng vật nặng, tập hít đất, mỗi khi gấp tay hay chân… đều có thể sinh ra tiếng kêu. Các nguyên nhân có thể là:

Sự thoát các khí trong dịch khớp: Sự tạo ra các bóng khí, thông thường là ôxy, nitơ, và CO2, khi khớp giãn rộng. Hiện tượng tạo các hốc trống trong khớp – là các hốc nhỏ với một phần là chân không và các khí hình thành trong hoạt dịch của khớp, to dần lên, rồi vỡ ra xì hơi nhanh và mạnh, sinh ra một tiếng kêu sắc chói tai. Khi các dây chằng khớp bị nhão, khuynh hướng tạo các hốc trống tăng lên.

Sự vận động của các khớp, các gân và dây chằng: Cơ bị căng hết mức, chặt khít, cọ xát quanh xương. Khi khớp vận động, vị trí các gân thay đổi và xê dịch nhẹ, khi về lại đúng vị trí có thể phát ra tiếng kêu. Gân cơ cọ xát vào xương cũng vậy, có thể gây tiếng kêu. Khớp vai hay bị kêu nhất vì nó có nhiều bộ phận vận động và có nhiều gân vận động trượt trên các xương. Ngoài ra, còn do duỗi nhanh các dây chằng của khớp. Do các bám dính ở trong khớp bị phá vỡ…

Các vùng thô ráp của các mặt khớp: Cộng thêm tuổi, khớp càng thêm ồn. Khi người ta già đi hoặc khi bị viêm khớp, sụn khớp bao đầu xương bị bong ra tại một số nơi, mặt khớp trở nên thô ráp và làm phát sinh tiếng kêu khi hai đầu xương cọ xát vào nhau. Tiếng tanh tách là tiếng kêu của các dây chằng hay mô sẹo khi trượt trên các chỗ nhô cao của xương. 

Sau tiếng kêu, nếu muốn lặp lại lần nữa thì phải chờ khoảng 20 phút (tức giai đoạn trơ). Trong giai đoạn này, các khí từ từ được hấp thu trở lại vào hoạt dịch. Năm 2018, bằng mô hình toán học với phép mô phỏng, người ta chứng minh được là các bóng khí to chỉ xì hơi một phần và tạo ra tiếng kêu, để lại những bóng khí khác nhỏ hơn trong hoạt dịch.

Lợi và hại

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các động tác nắn bẻ cổ thực hiện bởi các bác sĩ hay các chuyên gia vật lý trị liệu có tác động tích cực về mặt tinh thần. Rất nhiều người tin rằng tiếng “rắc” ấy giúp giảm áp lực vùng cổ và nắn chỉnh các di lệch của cổ về đúng vị trí. Trong một số trường hợp, chỉ nghe tiếng “rắc” cũng đã có thể giúp người ta cảm thấy khỏe hơn, cho dù trong thực tế nó không thể giúp giảm áp lực hay nắn chỉnh gì cả. Đây cũng lại là một tác dụng tinh thần, giống như ta thử một loại giả dược vậy.

Trong nắn chỉnh sai lệch ở cổ và tạo tiếng “rắc”, do những chiropractor - là những người chuyên chữa bệnh bằng phương pháp nắn khớp xương thực hiện, cũng có thể giúp tuyến yên phóng thích các endorphins là những chất giảm đau tự nhiên của cơ thể.

Tuy nhiên, hành động đó cũng có thể gây hại cho cơ thể nếu làm quá thường xuyên và không đúng cách. Chúng ta nên nhớ rằng cổ là vùng quan trọng và nguy hiểm. Tại vùng cột sống cổ có những cơ quan rất quan trọng như tủy sống, các rễ thần kinh, các động mạch chính đi lên não. Xoay cổ quá mạnh và thường xuyên để tạo ra tiếng “rắc…rắc” có thể làm tổn thương đến mạch máu tạo thành cục máu đông đi vào não gây tai biến mạch máu não.

Hành động xoay bẻ cổ quá mạnh cũng có thể gây kẹt các rễ thần kinh, làm đau và khó cử động cổ. Ngoài ra, cử động cổ quá mạnh còn gây căng cơ quanh cột sống cổ. Khi các cơ bị căng, cử động cổ sẽ trở nên khó khăn. Khi bạn vận động cổ thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng quá động của vùng này, túc là biên độ cử động của khớp sẽ lớn hơn bình thường. Các dây chằng bao khớp của bạn bị giãn ra, khó hồi phục. Điều này dẫn đến mất vững cột sống cổ, có nguy cơ dẫn đến thoái hóa cột sống cổ và chèn ép thần kinh, đòi hỏi phải can thiệp điều trị làm vững cột sống cổ.

Làm sao để tránh các tiếng “rắc…rắc” đó?

Thức dậy, vận động trong ngày càng nhiều càng tốt. Như người ta thường khuyên bảo “Bạn vận động càng nhiều, cơ thể bạn tự nó sẽ được bôi trơn càng nhiều” hay “Khi bạn chỉ biết hết ngồi lại nằm, dịch trong các khớp không có chuyển dịch. Bạn càng năng động, các khớp của bạn tự nó sẽ được bôi trơn càng nhiều”. Đó là cách giúp tránh các tiếng “rắc” tự phát.

Những trường hợp cần đến gặp bác sĩ khám: khi bạn làm thường xuyên để tạo những tiếng “rắc” ở cổ nhưng không còn cảm thấy thoải mái nữa hoặc thậm chí còn thấy khó chịu, đau nhức sau đó; Khi cổ bạn sưng nề, tấy đỏ, thậm chí là chấn thương làm hạn chế vận động; Khi bạn có những cơn đau mạn tính kéo dài ở vùng cổ, hay thậm chí là tê yếu hai tay hoặc tứ chi… Các bác sĩ sẽ giúp bạn điều chỉnh lại tư thế, hướng dẫn cách làm đúng, chẩn đoán và giải quyết các nguyên nhân gây ra vấn đề cho xương khớp của bạn.

Tóm lại, những tiếng “rắc” ở cổ, khớp có thể có tác động tốt đến cơ thể nếu  làm đúng cách và không quá lạm dụng. Tuy nhiên, điều này sẽ trở nên có hại nếu làm sai cách, quá mạnh hay quá thường xuyên. Cần nhấn mạnh, mọi người đến gặp bác sĩ ngay khi có những bất thường khó chịu ở vùng cổ bởi đây là một vùng quan trọng và có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Khi tiếng rắc ở cổ xảy ra đơn độc thì thường vô hại. Nhưng khi tiếng “rắc” đi kèm với đau hay phù nề thì đó là chỉ điểm cho một vấn đề gì đó về y khoa, bạn cần đi khám bác sĩ. Một tiếng kêu leng keng to, âm độ thấp (tiếng kim loại va chạm nhau) có thể là một báo hiệu cho các vấn đề nghiêm trọng của khớp, nhất là ở trẻ em.

ThS-BS. Hoàng Nguyễn Anh Tuấn 

(Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.